TP.Hồ Chí Minh với nhiều giải pháp loại bỏ thực phẩm “bẩn”

Thứ năm, 16/03/2017 17:06
(ĐCSVN) – TP.Hồ Chí Minh được xem là đầu mối lưu thông và tiêu thụ một lượng lớn thực phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thành phố.

Từ thực tế này cho thấy, vấn đề an toàn thực phẩm luôn được Thành phố chú trọng và có những giải pháp quyết liệt đối với thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn.

TP.Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục và mở rộng đề án truy xuất nguồn gốc thực phẩm (ảnh: VL)

Thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm của Thành phố luôn được tăng cường, huy động sức mạnh liên ngành triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể như: tăng cường công tác lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm, công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về an toàn thực phẩm, thực hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn, truy xuất nguồn gốc hàng hóa không đảm bảo về nhãn mác, về an toàn thực phẩm…

Bên cạnh đó, công tác thông tin, giáo dục, tuyên truyền về an toàn thực phẩm cũng được chú trọng và thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều loại hình phong phú, đa dạng, đã từng bước nâng cao kiến thức và thực hành của người dân trong việc chọn mua thực phẩm an toàn.

Trong giai đoạn 2011-2016, Thành phố đã phê duyệt và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án trọng điểm như: quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn, quy hoạch sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn, chương trình kiểm soát dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong chăn nuôi… Đặc biệt, gần đây là Đề án quản lý, nhận diện và truy suất nguồn gốc thịt heo, rau; Đề án phát triển sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã nông thôn mới.

Thành phố đã giao Chi cục Bảo vệ thực vật chịu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát đối với sản phẩm có nguồn gốc thực vật, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, an toàn. Chi cục Thú y chịu trách nhiệm trong lĩnh vực động vật và sản phẩm động vật. Tại các cửa ngõ của Thành phố đều có trạm kiểm dịch động vật. Trong nuôi trồng, đánh bắt, khai thác, chế biến thủy sản và các sản phẩm thủy sản Thành phố đã giao cho Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản quản lý.

Từ các nhiệm vụ được giao và yêu cầu của công tác quản lý an toàn thực phẩm, việc tổ chức bộ máy quản lý, đầu tư kinh phí từ ngân sách nhà nước và nguồn lực cho việc thực hiện quản lý được Thành phố đặc biệt quan tâm. 

Ngoài việc cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm cũng được Thành phố tích cực quan tâm, chỉ đạo. Trong giai đoạn 2011-2016, Thành phố đã Thành lập 2.008 đoàn thanh tra, kiểm tra. Các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành cả 3 cấp của Thành phố đã thanh tra, kiểm tra 283.121 cơ sở thực phẩm, phát hiện vi phạm 73.532 cơ sở, xử phạt 33.154 cơ sở với tổng tiền phạt là 110 tỷ đồng, tịch thu tiêu hủy 23.000 tấn hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực song theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thu, hiện nay, công tác quản lý an toàn thực phẩm theo quy định tại các chợ truyền thống chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ dẫn đến tình trạng tiểu thương trong chợ được quản lý bằng việc cam kết, trong khi các hộ kinh doanh ngoài chợ, khu vực lân cận thì buộc phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định. Vẫn còn tồn tại chợ, điểm kinh doanh thực phẩm tự phát với việc kinh doanh sản phẩm động vật, gia cầm sống trái phép tại các chợ lòng lề đường, chợ tự phát vẫn tồn tại, không đảm bảo an toàn thực phẩm và công tác phòng dịch.

Tình hình sử dụng các hóa chất cấm trong chăn nuôi vẫn còn tồn tại đặc biệt là đối với nguồn sản phẩm động vật giết mổ từ các tỉnh cung cấp cho thị trường thành phố. Tuy nhiên, việc kiểm tra xử lý còn nhiều bất cập, thiếu sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ giữa Chi cục thú y các tỉnh. Bên cạnh đó, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm ở các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể trường học mặc dù đã được chú trọng, kiểm soát nhưng nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn còn cao.  Xác định phải quyết liệt trong vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm, TP.Hồ Chí Minh đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm và đi vào hoạt động vào tháng 3/2017. 

TP.Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trên cả nước có cơ quan đầu mối quản lý về an toàn thực phẩm. Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.Hồ Chí Minh có chức năng giúp UBND thành phố thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn. Về chuyên môn, Ban quản lý chịu sự hướng dẫn, chỉ đạo của các cục, ngành của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp  và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương.

Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan cho biết, trong thời gian tới, Ban Quản lý sẽ dồn trọng tâm vào xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, liên kết phối hợp với các tỉnh nguồn cung thực phẩm cho thị trường thành phố. Tiếp tục và mở rộng đề án truy xuất nguồn gốc thực phẩm, xây dựng và phát triển các mô hình kinh doanh thực phẩm an toàn tại cả kênh phân phối hiện đại và truyền thống. Kiểm soát chặt chẽ, thanh tra 24/24 tại 3 chợ đầu mối nhằm ngăn chặn từ nguồn trước khi thực phẩm được đưa về các chợ lẻ, chợ truyền thống, là những khu vực hiện đang khó quản lý về chất lượng thực phẩm.

Đặc biệt, Ban Quản lý cũng sẽ hết sức lưu ý đến các bếp ăn tập thể cho công nhân và học sinh, có nguy cơ mất an toàn thực phẩm cực cao. Tất cả sẽ được đưa vào kế hoạch thực hiện trước mắt trong năm 2017 và kế hoạch những năm tiếp theo.

Với sự quyết tâm, triển khai quyết liệt, đặc biệt là có một cơ quan đầu mối trong quản lý an toàn thực phẩm, hy vọng trong thời gian tới, vấn đề an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố sẽ có nhiều kết quả tích cực, ngăn chặn, loại bỏ được thực phẩm “bẩn”, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng./..

VL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực