Tránh tăng giờ làm thêm khiến người lao động kiệt sức

Thứ ba, 22/10/2019 13:52
(ĐCSVN) - Thực tế, không chỉ chủ lao động mà cả người lao động cũng muốn làm thêm vì tiền lương không đủ sống, nhưng pháp luật phải quy định để đảm bảo sức khỏe cho người lao động...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành mở rộng khung giờ làm thêm

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (Ảnh: KT)

Đây là chia sẻ của ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho thảo luận tại hội trường vào ngày mai (23/10).

Đến thời điểm này, đối với quy định tăng giờ làm thêm lên 400 giờ/năm theo dự thảo Chính phủ trình vẫn đang có quan điểm rất khác nhau giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.

Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 36, 37 đều không tán thành với đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa.

Trong khi, Chính phủ vẫn mong muốn phương án của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 tiếp tục được trình Quốc hội thảo luận, quyết định.

Theo dự thảo, Chính phủ đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành, từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm.

Về vấn đề này, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi giải thích, mong muốn của Chính phủ là những ngành nghề thực sự có yêu cầu cho xuất khẩu mà không làm cả năm thì cho tăng giờ. Nhưng việc này Chính phủ phải báo cáo thật cụ thể trước Quốc hội để các đại biểu thấy rằng việc làm thêm này không phải là đại trà, vì khi chúng ta trình mà không làm rõ nên người lao động nghĩ rằng, kéo dài thời gian làm thêm đồng nghĩa với việc tăng cường độ lao động, dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe của người lao động, khiến họ kiệt sức.

“Về vấn đề này, Chính phủ thấy những ngành nghề nào cần thiết thì Quốc hội giao cho Chính phủ để cho làm, nhưng phải quản rất chặt để đảm bảo sức khỏe của người lao động, tránh tai nạn lao động”, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Cũng theo ông, việc tăng giờ làm thêm chỉ tập trung ở một số ngành nghề lĩnh vực và không phải tăng cả năm mà chỉ tập trung ở 4 ngành trọng điểm: da dày, dệt may, thủy sản và điện tử.

“Rất ít ngành do xuất khẩu cũng cần thiết. Như thủy sản, họ nói chỉ làm trong 4 tháng, sau đó lại nghỉ 3 tháng mới đến thời vụ. Nếu khống chế thì sẽ không có người làm thêm. Những người làm thêm họ phải đồng thuận, trên cơ sở chủ sử dụng lao động yêu cầu, nhưng nếu người lao động không có sức khỏe, không muốn thì không ai ép buộc được. Ai cần thì làm thêm và khi làm thì phải được trả lương, được nghỉ bù…”, ông trao đổi.

Ông cũng cho biết, thực tế không chỉ chủ lao động mà cả người lao động cũng muốn làm thêm vì tiền lương không đủ sống, nhưng pháp luật phải quy định để đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Doanh nghiệp cũng phải chia sẻ và người lao động cũng phải chia sẻ. Người lao động làm thêm một chút, nhưng doanh nghiệp cũng phải cố gắng tuyển thêm lao động.

Dù vậy, ông nhắc lại quan điểm của UBTVQH qua nhiều phiên họp là dứt khoát không đặt vấn đề tăng thời gian làm thêm. Ông cũng nhấn mạnh, trong suốt thời gian vừa qua, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội với tư cách là cơ quan thẩm tra chưa bao giờ ủng hộ việc tăng thời gian làm thêm. Đó là vì để đảm bảo sức khỏe, an toàn lao động cho người lao động.

“Người lao động có khi cũng vì đồng tiền mà chạy theo. Tôi đi Bình Dương thấy rất đau lòng, công nhân thì gầy gò, ốm yếu nhưng vẫn xin được làm thêm giờ dù không bảo đảm sức khỏe. Nhưng như vậy, chẳng khác nào người lao động lúc trẻ bỏ sức ra kiếm tiền, già lại phải bỏ tiền mua sức khỏe. Trách nhiệm của nhà nước là ở chỗ này. Cơ quan y tế người ta cũng bảo làm thêm liên tục 50 giờ là sức khỏe sẽ rất có vấn đề. Vì vậy, 40 giờ là tối đa rồi”, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh lại.

Theo chương trình Kỳ họp, sáng ngày mai (23/10), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Ngày 20/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV sáng 21/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh: “Việc xem xét, thông qua dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Nhân dân và xã hội rất quan tâm, các nội dung được sửa đổi, bổ sung sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; tạo khung pháp lý thúc đẩy thị trường lao động phát triển phù hợp với bối cảnh mới về hội nhập; bảo đảm tốt hơn và hài hòa quyền, lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động…”.

 

Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực