Ứng dụng công nghệ hỗ trợ người khiếm thị, khiếm thính

Thứ sáu, 15/03/2019 11:16
(ĐCSVN) - “Chúng tôi muốn đồng hành cùng những người khiếm thị, khiếm thính; và sẽ cố gắng khai thác những tiện ích của công nghệ kỹ thuật hiện đại để bù đắp lại những thiệt hòi cho họ”.

Đó là chia sẻ của Tiến sỹ, Viện sỹ Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ (AIC Group) khi trao đổi về một sản phẩm ứng dụng công nghệ sắp được AIC Group đưa ra để dành riêng cho những người khiếm thính, khiếm thị.

Tiến sỹ, Viện sỹ Nguyễn Thị Thanh Nhàn chia sẻ về sản phẩm mới của AIC Group. (Ảnh: QM).

Người tàn tật nói chung, người khiếm thị, khiếm thính nói riêng phải gánh chịu nhiều thiệt thòi, nhưng họ luôn có sự nỗ lực, sáng tạo và vươn lên bằng nội lực mạnh mẽ. Chỉ có điều còn chưa nhiều những tấm lòng, những bàn tay chắp cánh để họ hoà nhập. Xuất phát từ những trăn trở, suy tư đó, Viện sỹ Nguyễn Thị Thanh Nhàn không những đã chỉ đạo hàng trăm cán bộ đi tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của những người khiếm thị, khiếm thính để viết phần mềm, mà bản thân chị cũng thực hiện nhiều chuyến đi nước ngoài, làm việc với các đối tác để hợp tác, tận dụng những tiến bộ khoa học đã có trên thế giới. Phần mềm ứng dụng mà chị Nhàn đề cập ở trên là một món quà ý nghĩa và sâu sắc của AIC Goup sau thời gian dài nghiên cứu và chắt lọc nhiều ứng dụng hay trên thế giới. Phần mềm tiện ích này đã được AIC đã bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức, tiền của để nghiên cứu, khảo sát, thiết lập cho tương thích với người khiếm thị. "Phần mềm chúng tôi chuẩn bị tặng miễn phí cho người khuyết tật không có gì là to tát và quá cao siêu, mà chúng tôi đã tích hợp tất cả những cái ưu việt, những tiện ích mà người khiếm thị, khiếm thanh, khiếm thính đang cần, để họ tiếp cận đời sống một cách thuận lợi nhất", chị Nhàn khẳng định.

Tìm hiểu được biết, trên cơ sở ứng dụng những tiến bộ công nghệ mới nhất hiện nay, phần mềm này sẽ cho phép người khiếm thị, khiếm thính sử dụng điện thoại thông minh có thể đọc sách, đọc truyện, nghe tin tức, học tập, đọc văn bản pháp luật, nhận biết tiền để thanh toán tiền, định vị đi lại, tìm đường, tìm cơ sở dịch vụ cần thiết ở gần nhất, nhận biết màu sắc, ghi chú công việc quan trọng trong ngày, nhắn gọi gấp người thân, dự báo thời tiết và báo những sự kiện, tin tức sẽ diễn ra...

Đặc biệt, hướng đến mục tiêu hỗ trợ tối đa “nhóm người yếu thế”, phần mềm này được xây dựng với tiêu chí dễ sử dụng; người dùng có thể điều lệnh đến bất kỳ một ứng dụng nào đang có trên điện thoại. Thao tác đơn giản là người dùng cầm một thiết bị BLE nhỏ gọn, thiết bị này được kết nối với điện thoại, sau mỗi lần bấm vào thiết bị, người dùng ra lệnh bằng giọng nói, sau đó chú lợn thần kỳ Pigo thông minh sẽ cho kết quả tìm đến ứng dụng đang cần sử dụng. Chẳng hạn cần đi lại, bấm vào thiết bị rồi điều lệnh bằng giọng nói, Pigo sẽ kết nối đến ứng dụng Taxi và các hãng xe, rồi chỉ cần nói đi hãng nào, điện thoại sẽ được kết nối ngay tức khắc đến tổng đài để đặt xe.

Tương tự như vậy, người dùng có thể gọi lệnh và giơ điện thoại lên soi vào văn bản pháp luật và văn bản này sẽ được chuyển tải thành giọng đọc cho người khiếm thị nghe sau ít giây. Hoặc là khi giao dịch mua bán, các tờ tiền cũng được soi và báo ngay mệnh giá trong tích tắc... Một tiện ích khác rất nhiều người khiếm thị sẽ được dùng như chức năng gọi điện khẩn cấp hoặc nhắn tin cho người thân. Ví dụ, chỉ cần bấm lệnh điều khiển bằng giọng đọc, sẽ được đưa đến phần mềm nhắn tin, rồi nói tìm danh bạ tên "vợ" hoặc "chồng" sẽ được kết nối và tiếp tục nhắn tin bằng giọng nói, Pigo thông minh sẽ dịch ra và chuyển đến cho đầu kia. Còn đối với khiếm thính thì có thể đánh nội dung cần nói vào máy điện thoại, rồi ứng dụng sẽ tự động chuyển qua giọng nói để phát to ra cho đối tượng đang giao tiếp cùng nghe.

Là người trực tiếp giúp các chuyên gia công nghệ tập đoàn AIC tìm hiểu nhu cầu sử dụng của hội viên, bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam cho biết: Hiện nay nước ta có cả triệu người khiếm thị. Nhu cầu tìm hiểu thông tin, phục vụ nhiều tiện ích trong đời sống rất lớn, nhất là nhu cầu tìm hiểu tin tức, văn bản pháp luật và học tập. Tuy đã có nhiều ứng dụng cho người khiếm thị, nhưng tất cả đều rời rạc, nhỏ lẻ, khó sử dụng và mất thời gian. Phần mềm của AIC có thể hoá giải được những vấn đề trên để đưa đến một bách khoa toàn thư tổng hợp tiện ích rất dễ dùng. Tuy nhiên, AIC thông báo là vẫn tiếp tục hoàn thiện thêm nhiều chức năng, chúng tôi cũng luôn biết trân trọng cảm ơn và chờ đợi điều này. Đặc biệt, tôi được biết, AIC đang có kế hoạch sẽ tặng 1.000 điện thoại cài đặt sẵn phần mềm vào dịp tháng 4 sắp tới. Đây là một hoạt động có ý nghĩa xã hội rộng lớn.

Theo ông Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam: "AIC đã đưa đến cho người khiếm thính, khiếm thị một món quà thực sự ý nghĩa đúng dịp Hội kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Qua quá trình thẩm định, chúng tôi nhận thấy phần mềm mới này có tác dụng rất hữu ích; theo đó, thời gian sắp tới,  các cấp hội sẽ tuyên truyền sâu rộng để hội viên biết và sử dụng".

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sỹ, Viện sỹ Nguyễn Thị Thanh Nhàn cho biết, nhu cầu trải nghiệm, tham gia các hoạt động xã hội của người khiếm thính, khiếm thị là rất lớn. Cùng với đó, công nghệ cũng liên tục phát triển nên AIC sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển hoàn thiện ứng dụng này trước khi đưa ra thị trường. Đặc biệt, AIC sẽ đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo và cơ quan chức năng cho chuyển tải nội dung sách giáo khoa và nhiều lĩnh vực khác nữa để người mù thuận tiện học tập, tiến tới có thể giải được Toán, Lý.... trên điện thoại.

“Nỗ lực của chúng tôi là góp phần nhỏ bé cùng xã hội chia sẻ khó khăn, đưa công nghệ đến với người khiếm thính, khiếm thị nhằm khơi dậy ở họ nghị lực sống, sức sáng tạo và khao khát cống hiến cho xã hội”, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Nguyễn Thị Thanh Nhàn nói về điều tâm niệm lớn nhất của mình và AIC Group./.

Bài, ảnh: Quang Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực