UNICEF sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Ủy ban Quốc gia về trẻ em

Thứ năm, 07/12/2017 15:17
(ĐCSVN) - Ủy ban Quốc gia về trẻ em được thành lập đánh dấu một cột mốc mới trong những nỗ lực thực hiện quyền trẻ em của Chính phủ. Ủy ban sẽ có vai trò đưa ra đường hướng mới trong việc thực hiện quyền trẻ em và đảm bảo rằng "không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau" trong việc duy trì tiến bộ hướng tới đạt Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Ngày 6/12/2017, Lễ ra mắt Ủy ban Quốc gia về trẻ em đã diễn ra tại Hà Nội. Nhân dịp này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã phỏng vấn ông Youssouf Abdel-Jelil, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, về quan điểm của ông đối với việc thành lập cơ quan này cũng như những đánh giá đối với nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em.

Phóng viên: Xin ông cho biết đánh giá của ông về công tác cải cách pháp lý ở Việt Nam liên quan đến quyền trẻ em?

Ông Youssouf Abdel-Jelil: Trong những năm gần đây Việt Nam đã có những cải cách pháp lý đáng kể. Hiến pháp, được Quốc hội thông qua vào năm 2013, có một chương về quyền con người với một điều khoản cụ thể về quyền trẻ em và vai trò của Nhà nước trong bảo vệ trẻ em. Điều quan trọng là Luật Trẻ em mới có hiệu lực gần đây quy định rõ hơn các điều khoản này trong Hiến pháp bằng cách đưa ra một khung pháp lý để thực hiện các quyền của tất cả trẻ em ở Việt Nam phù hợp hơn Công ước về Quyền Trẻ em.

Ông Youssouf Abdel-Jelil, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam. (Ảnh: UNICEF)

Phóng viên: Xin ông cho biết ý kiến của mình đối với sự kiện Việt Nam thành lập Ủy ban Quốc gia về trẻ em?

Ông Youssouf Abdel-Jelil: Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục những nỗ lực đáng khích lệ nhằm áp dụng các chính sách và thể chế thúc đẩy quyền trẻ em ở Việt Nam, phù hợp với tôn chỉ: Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai. Ủy ban Quốc gia về trẻ em do Phó Thủ tướng đứng đầu được thành lập đánh dấu một cột mốc mới trong những nỗ lực thực hiện quyền trẻ em của Chính phủ. Ủy ban sẽ có vai trò đưa ra đường hướng mới trong việc thực hiện quyền trẻ em và đảm bảo rằng "không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau" trong việc duy trì tiến bộ hướng tới đạt Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Uỷ ban Quốc gia về trẻ em là cơ chế phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ về quyền trẻ em, bao gồm tất cả các Bộ, trong đó các Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế giữ vai trò Phó Chủ tịch.

Uỷ ban Quốc gia về trẻ em đưa ra một cơ chế điều phối quan trọng hỗ trợ Việt Nam thực hiện nghĩa vụ báo cáo nhà nước về việc thực hiện các quyền của trẻ em. Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các quyền này thông qua việc báo cáo tình hình thực hiện Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, cũng như các hiệp ước và công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã phê chuẩn bao gồm Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức Phân biệt đối xử với phụ nữ, Công ước về Quyền của người khuyết tật, và Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát.

Với tính chất liên ngành của Luật Trẻ em, Uỷ ban Quốc gia về trẻ em có vai trò hướng dẫn cụ thể việc thực hiện, bảo đảm tất cả các Bộ, ngành liên quan tham gia và chịu trách nhiệm về việc thực hiện cũng như đảm bảo tính phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế về quyền trẻ em. Nhằm đạt được điều này, UNICEF tiếp tục vận động cho việc sửa đổi định nghĩa về độ tuổi trẻ em để bao gồm tất cả các trẻ em dưới 18 tuổi.

Ủy ban cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo Chính phủ phân bổ đủ nguồn lực và thu thập số liệu để thực hiện quyền trẻ em theo hướng dẫn của Công ước về Quyền trẻ em và Luật Trẻ em. Mặc dù Việt Nam đã đạt được tiến bộ trong việc giảm nghèo, tăng tỷ lệ nhập học và giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em nhưng vẫn còn một chương trình nghị sự chưa hoàn thành cần có sự nỗ lực và sự quan tâm của tất cả các bộ ngành.

Phóng viên: Với vai trò là Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, ông có những lời khuyên gì với Chính phủ Việt Nam để thực hiện tốt hơn Công ước về Quyền Trẻ em?

Ông Youssouf Abdel-Jelil: Số liệu về trẻ em (dưới 18 tuổi) ở Việt Nam vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ. Điều này tạo ra những thách thức rất lớn trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách và chương trình cho trẻ em.

Việc thiếu số liệu cũng là một thách thức đối với Việt Nam trong việc theo dõi và báo cáo về tình hình thực hiện Quyền con người và Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam.

UNICEF đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Chính phủ thực hiện Điều tra Đánh giá các Mục tiêu Trẻ em và Phụ nữ (MICS) trong suốt 18 năm qua và Ủy ban Quốc gia Trẻ em có thể giúp đưa điều tra MICS vào quá trình thu thập số liệu thường xuyên của quốc gia.

Trên thế giới, có nhiều bằng chứng thuyết phục rằng những giây phút đầu tiên của cuộc đời trẻ em mang lại cơ hội vô song để thúc đẩy sự phát triển não bộ của trẻ, và điều này rất quan trọng với sự tăng trưởng kinh tế và khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Nhưng cơ hội này thường xuyên bị lãng phí khiến đất nước chỉ còn lại lực lượng lao động trẻ tuổi với sức khoẻ kém, thiếu kỹ năng và giảm khả năng tạo thu nhập.

Ủy ban có thể tạo ra sự thay đổi cho cuộc sống của mọi trẻ em ở Việt Nam bằng cách tăng cường sự hợp tác giữa các Bộ, ngành và các đối tác nhằm phá vỡ vòng luẩn quẩn của đói nghèo và chênh lệch, đồng thời thúc đẩy Việt Nam tiến tới đạt mục tiêu trở thành một nền kinh tế thế kỷ 21.

Để đảm bảo "không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau" đòi hỏi có các giải pháp đột phá để nhanh chóng theo kịp quá trình phát triển bền vững và hòa nhập cho tất cả mọi người.

UNICEF vinh dự được là đối tác chính của Việt Nam trong việc thực hiện quyền trẻ em. UNICEF sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Ủy ban Quốc gia về trẻ em với vai trò là cơ quan tham vấn chuyên môn cho Uỷ ban, phù hợp với sứ mệnh mà UNICEF được giao phó theo Công ước về Quyền Trẻ em, cung cấp chuyên môn và kinh nghiệm quốc gia, khu vực và quốc tế về tất cả các vấn đề liên quan đến quyền trẻ em.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn ông./.

Khắc Kiên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực