Văn Tự (Thường Tín, Hà Nội) nỗ lực về đích nông thôn mới

Thứ năm, 13/12/2018 08:54
(ĐCSVN) - Bám sát đặc điểm tình hình của xã, trên cơ sở xác định xây dựng nông thôn mới là một chương trình lớn tổng thể nhằm phát triển nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, Đảng ủy, UBND xã Văn Tự, huyện Thường Tín (Hà Nội) đã thực hiện tốt phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, dân làm, dân đóng góp, dân kiểm tra và dân được hưởng.

Những ngày này, xã Văn Tự, huyện Thường Tín (Hà Nội) đang tất bật chuẩn bị cho ngày đón quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới (NTM). Từ lãnh đạo đến mỗi người dân đều trong tâm thế háo hức. Bởi, việc được công nhận xã NTM là sự khẳng định những nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân trong quá trình phấn đấu xây dựng NTM đầy khó khăn, thách thức. Đồng thời, đây cũng là bước đệm, tạo động lực cho sự phát triển KT - XH của toàn xã trong thời gian tới.

Nghề sản xuất đồ gỗ đang giúp nhiều hộ gia đình ở xã Văn Tự phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Ảnh TT

Trò chuyện với chúng tôi, ông Trịnh Hùng Sơn, Chủ tịch UBND xã Văn Tự chia sẻ, ngay từ khi huyện phát động phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”, xã đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và xây dựng phương án triển khai bài bản. Lãnh đạo xã khi ấy ngồi lại với nhau và thấy rằng việc đầu tiên phải làm chính là tuyên truyền đến toàn thể nhân dân về mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM. Thông qua hệ thống phát thanh, lồng ghép vào các cuộc hội nghị, họp dân, các hoạt động văn hóa, thể thao hay bằng các biểu tượng, panô, áp phích mà người dân hiểu được ích lợi và từ đó đoàn kết, chung sức cùng chính quyền xây dựng NTM thành công.

So với các xã khác trong huyện, Văn Tự có xuất phát điểm thấp khi thời điểm đầu xã chỉ đạt được 03/19 tiêu chí (Điện, bưu điện, nhà ở), các tiêu chí còn lại chưa đạt; đội ngũ cán bộ chưa có kinh nghiệm trong công tác xây dựng nông thôn mới nên gặp khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành cũng như tổ chức thực hiện; nguồn kinh phí hỗ trợ của cấp trên cũng như vốn ngân sách xã còn khó khăn chưa đáp ứng nhu cầu công việc... Bám sát đặc điểm đó, trên cơ sở xác định xây dựng NTM là một chương trình lớn tổng thể nhằm phát triển nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, Đảng ủy, UBND xã Văn Tự đã thực hiện tốt phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, dân làm, dân đóng góp, dân kiểm tra và dân được hưởng.

Từ năm 2012 thực hiện Nghị quyết của HĐND xã, UBND xã đã thường xuyên tuyên truyền nhân dân đóng góp xây dựng NTM qua các hội nghị từ xã tới thôn. Địa phương cũng chủ động tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, phát triển sản xuất, kinh doanh tạo thu nhập; đồng thời, xã phối kết hợp với các trung tâm đào tạo dạy nghề mở các lớp khuyến nông, khuyến công, tuyên truyền đến nhân dân nhận thức về việc cho con em trong xã được học nghề, nâng cao tay nghề để tăng cơ hội có việc làm, tăng thu nhập đồng thời giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã. Nhờ đó, đời sống người dân trong xã đã ngày càng phát triển.

Trong năm 2018, tổng thu nhập toàn xã ước đạt 401,468 tỷ đồng, trong đó nông nghiệp và chăn nuôi ước đạt 34,765 tỷ đồng, chiếm 8,6 %; Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp và Thương mại - Dịch vụ ước đạt 327,103 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 81,4%; Thu từ ngân sách nhà nước và thu khác ước đạt 39, 600 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10%.

Điểm đặc biệt trong xây dựng NTM ở Văn Tự đó là xã luôn chú trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân. Chỉ tính riêng trong năm 2018, tổng giá trị sản xuất Công nghiệp -Tiểu thủ công nghiệp, Thương mại - Dịch vụ ước đạt trên 327,1 tỷ đồng. Số lao động hoạt động trong các ngành nghề dịch vụ như buôn gỗ, thợ mộc, cơ khí, thợ may, thợ lao động thủ công, ngày một tăng. Tiếp tục phối hợp với phòng Kinh tế huyện thực hiện tốt chương trình khuyến công. Đẩy mạnh công tác cấy nghề, đào tạo nghề mới, duy trì và phát huy các ngành nghề sẵn có của địa phương tạo việc làm và thu nhập cho nhân dân trong lúc nông nhàn. Phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện thường xuyên kiểm tra hoạt động kinh doanh trên địa bàn xã, kiểm tra chống hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm,  kiểm tra hoạt động kinh doanh gia cầm không rõ nguồn gốc. Tăng cường kiểm tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp lưu hành hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại trên thị trường. Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn và đưa hàng về nông thôn phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Đến nay, Văn Tự đã có những cung đường bê tông rộng rãi, trải khắp từ trung tâm xã đến từng xóm, ra tận các cánh đồng, tạo thành mạng lưới giao thông thuận lợi kết nối giữa các thôn, các xóm; hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu của người dân; cảnh quan môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp, giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Bộ mặt nông thôn Văn Tự đã thay đổi toàn diện, đời sống người dân tiếp tục được nâng cao với mức thu nhập đến nay đạt trên 41,1 triệu đồng/người/năm.

Trụ sở UBND xã Văn Tự, huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Ảnh TT

Cũng theo chia sẻ của ông Trịnh Hùng Sơn, Chủ tịch UBND xã Văn Tự, đạt tiêu chuẩn xã NTM nhưng điều đó không có nghĩa là phong trào xây dựng NTM ngưng lại mà phải luôn duy trì và thực hiện nghiêm túc hơn nữa. Đó là quyết tâm của tập thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Văn Tự. Theo đó, sau khi đón nhận bằng NTM, xã sẽ tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM tại 4/4 thôn, duy trì xã đạt chuẩn NTM theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại.

Bên cạnh đó, xã sẽ tiếp tục thực hiện định hướng xây dựng NTM phải gắn với phát triển làng nghề, cụm công nghiệp truyền thống. Trong đó, quan trọng nhất là làm tốt công tác quy hoạch, quản lý đất đai và trật tự xây dựng để dự phòng quỹ đất cho phát triển; duy trì và giữ vững các tiêu chí về môi trường. Đồng thời, Văn Tự cũng chú trọng đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, mở rộng các vùng chuyên canh để tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, tạo ra các chuỗi sản xuất thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Đó cũng là bước đi quan trọng nhằm nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống người dân nông thôn trên địa bàn thực sự bền vững.

Có thể thấy, một kinh nghiệm quan trọng trong xây dựng NTM ở xã Văn Tự, huyện Thường Tín đó là phải thường xuyên chú trọng tiến hành công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng bằng nhiều hình thức tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Mặt khác, mỗi cán bộ, đảng viên nhất là những người cán bộ cơ sở luôn gương mẫu đi đầu, là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong mọi phong trào. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch phải đi trước một bước, triển khai xây dựng phải bảo đảm tính đồng bộ, đúng trọng tâm. Đồng thời, việc chuyển đổi mô hình sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa, phát huy thế mạnh các làng nghề truyền thống là khâu quan trọng và không thể thiếu để nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người dân, tạo nội lực thực sự để xã sớm về đích NTM trong năm 2018./.

Trần Thùy Trang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực