Xem xét, giải quyết kiến nghị của 2 tỉnh Đồng Tháp và An Giang

Thứ sáu, 18/05/2018 21:19


(ĐCSVN)) - Về một số kiến nghị của tỉnh Đồng Tháp và tỉnh An Giang tại Văn bản số 60-TB/VPTW và 61-TB/VPTW ngày 20/4/2018 của Văn phòng Trung ương Đảng thông báo kết quả chuyến thăm và làm việc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hai tỉnh, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và quy định pháp luật xem xét, giải quyết, trả lời các địa phương; hoặc phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét, xử lý.

Sơ đồ Dự án kết nối Đồng bằng sông Mê Kông từ Mỹ An (Đồng Tháp) đến Rạch Sỏi (Kiên Giang)
(Ảnh minh họa: Báo giao thông)

Trường hợp vượt thẩm quyền, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, xử lý các kiến nghị: Phê duyệt nội dung "Tầm nhìn chiến lược Đề án liên kết phát triển tiểu vùng tứ giác Long Xuyên" do An Giang được phân công chủ trì phối hợp xây dựng; về chính sách ưu đãi tốt hơn đối với doanh nghiệp đầu tư vào các địa phương xa trung tâm, hạ tầng kinh tế - xã hội còn khó khăn như An Giang; về xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn hội nhập quốc tế; về việc triển khai nhanh hơn xây dựng đường ra biên giới gắn với phát triển kinh tế - xã hội của vùng biên.

 

Bộ Giao thông vận tải xem xét, xử lý kiến nghị về chủ trương phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng Sông Cửu Long kết nối các tỉnh trong khu vực với thành phố Hồ Chí Minh và nước bạn Cam-pu-chia, phát huy cả giao thông đường bộ và đường thuỷ, tháo gỡ nút thắt quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm này; trong đó có việc đầu tư tuyến cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc (An Giang) và đầu tư tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên.

 

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải xem xét, xử lý kiến nghị về chủ trương đầu tư đối với dự án kết nối đoạn Cao Lãnh - Mỹ An đấu nối vào tuyến N2 để phát huy hiệu quả của Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Công, bảo đảm kết nối thông suốt tuyến N2 từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh biên giới Tây Nam Bộ; dự án đường cấp cao An Hữu - Cao Lãnh song hành với Quốc lộ 30 nhằm tạo tuyến đường ngang kết nối tuyến đường N2 và đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang triển khai và dự án Quốc lộ N1 (đoạn qua tỉnh Đồng Tháp).

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, xử lý các kiến nghị: Hỗ trợ tỉnh An Giang nguồn lực để triển khai các dự án ứng phó với tình hình sạt lở bờ sông, đặc biệt là nguồn vốn xây dựng các cụm, tuyến dân cư, từng bước bố trí tái định cư cho trên 20 nghìn hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao; quan tâm lãnh đạo và đầu tư đúng mức cho Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Chính phủ; kịp thời ban hành chính sách mạnh mẽ để chuyển đổi cơ cấu, phát triển nhanh ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, giá trị gia tăng cao và có chính sách tốt hơn về tiếp cận đất đai, tín dụng, thị trường đủ sức thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

 

Bố trí kinh phí giúp tỉnh An Giang sớm triển khai Đề án sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng đồng bằng Sông Cửu Long và hỗ trợ tỉnh An Giang xây dựng Đề án thương hiệu lúa gạo nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và thương hiệu của 2 ngành hàng chủ lực của An Giang và một số tỉnh trong vùng.

 

Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, xử lý các kiến nghị: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, làm cơ sở cho các tỉnh trong vùng đề ra các giải pháp tổng hợp để phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong bối cảnh hiện nay; cho phép tỉnh An Giang thực hiện thí điểm Đề án "Tạo quỹ đất thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao", trong đó, chính quyền địa phương đóng vai trò kết nối giữa doanh nghiệp với nông dân trong việc vận động dân cho thuê đất, thoả thuận điều kiện có lợi cho 2 phía và tính nguồn vốn phù hợp để hỗ trợ nhà đầu tư trong việc trả trước tiền thuê đất của nông dân.

 

Bên cạnh đó, sớm hoàn thiện cơ chế chính sách đất đai để các địa phương mạnh dạn triển khai thực hiện nhiều mô hình hiệu quả như hiện nay. Đồng thời sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh nhằm nâng cao thu nhập, đời sống cho người nông dân; có những hiệp ước, thoả thuận hiệu quả về sử dụng nguồn nước sông Mê Kông./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực