Ý nghĩa lớn từ đồng vốn Quỹ quốc gia về việc làm

Thứ ba, 13/11/2018 09:39
(ĐCSVN) – Từ 7 triệu đồng được vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm, gia đình ông Trần Văn Dung (tỉnh Hà Tĩnh) đã mua thêm vật nuôi tăng gia sản xuất, nhờ vậy mà cuộc sống bớt khó khăn hơn.
Ông Trần Văn Dung trên đồi chè xanh mơn mởn tại xã Bắc Sơn (Ảnh: MT)

Đến với đồi chè xanh mơn mởn trải rộng trên một ngọn đồi ở thôn Kim Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh ít ai có thể ngờ rằng chủ nhân của nó lại là một người khiếm thị.

Đó là đồi chè của ông Trần Văn Dung, sinh năm 1959. Từ lúc mới sinh ra ông đã không nhìn rõ mọi vật xung quanh vì thế ông không được học hành như những bạn bè cùng trang lứa. Nhưng vốn tính cần cù chịu khó ông đã tập làm thành thạo các việc trong nhà để phụ giúp gia đình từ nấu ăn quét dọn đến cho lợn gà ăn. Lớn lên ông lập gia đình và có 5 người con.

Trên mảnh đất Bắc Sơn nghèo lúc ấy, để nuôi sống một gia đình và cho các con ăn học đối với một người bình thường đã khó thì đối với một người khiếm thị như ông khó khăn ấy lại tăng lên gấp bội. Để cải thiện cuộc sống, ông đã cùng vợ tìm tòi học hỏi những người xung quanh để tăng gia sản xuất, nuôi thêm gia súc gia cầm nhưng do không có vốn nên gia đình ông chỉ làm được vài sào ruộng và vài chục con gà con vịt. Chật vật lắm nhưng cũng không đủ nuôi các con ăn học.

Ông nhớ lại, như một cơ duyên, khi năm 1995 ông được cán bộ Hội người mù Thạch Hà đến động viên tham gia tổ chức hội. Vào hội, ông được học chữ học nghề làm chổi, được tham gia các lớp tập huấn về khuyến nông, và đặc biệt là được học  các mô hình làm kinh tế giỏi của người khiếm thị.

Tuy nhiên, lúc đó, dù muốn tăng gia sản xuất nhưng ông lại gặp khó khăn về vốn. Hiểu được sự khó khăn của gia đình ông, Hội đã đứng ra tín chấp cho ông vay 7 triệu đồng từ nguồn vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm. Tuy không nhiều nhưng số vốn ấy có ý nhĩa rất lớn. Từ số tiền được vay, gia đình ông mua thêm vật nuôi tăng gia sản xuất, nhờ vậy mà cuộc sống của gia đình ông bớt khó khăn hơn.

Năm 2000, ngoài mảnh đất của cha mẹ để lại, với 20 triệu đồng vay của Hội và số tiền tích lũy bấy lâu, vợ chồng ông đã mạnh dạn mua thêm gần 1ha đất để làm trang trại mở rộng sản xuất. Có đất, có vốn rồi thì việc nuôi con gì, trồng cây gì để sinh lời và phù hợp với đặc điểm mắt của ông là điều khiến ông băn khoăn rất nhiều. Từ những thông tin được nghe trên báo, đài và học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước ông đã quyết định ngoài chăn nuôi gia cầm còn trồng thêm chè. Bởi chè là cây dễ chăm sóc, trồng một lần có thể cho thu hoạch nhiều năm.

Hàng ngày ông cần mẫn với việc cho gà ngan ăn và bón phân chăm sóc đồi chè, còn vợ ông thì lo phần thu hoạch và tiêu thụ. Sau những vụ đầu thất bại do chưa có kinh nghiệm thì giờ đây trang trại của ông đã mang lại hiệu quả kinh tế cao với mức thu nhập gần 100 triệu đồng một năm.

Ông vui mừng cho biết, hiện nay gia đình có tới 6 sào chè, 1 sào đào, 200 trăm con gà và 100 con ngan. Ngoài ra, ông còn tranh thủ thời gian rãnh rỗi để bện chổi bán, thu nhập 2 triệu đồng/tháng từ lợi nhuận bán chổi.

Những chuỗi ngày cơ cực trước đây nay đã được thay bằng cuộc sống ấm no hạnh phúc có của ăn của để. Vợ chồng ông đã xây được một căn nhà rộng rãi khang trang với đầy đủ tiện nghi , 4 con ông đã xây dựng hạnh phúc gia đình.

Ông chia sẻ: “Tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đã luôn quan tâm tới những người khiếm thị như chúng tôi. Nhiều chính sách ưu đãi và đặc biệt là Quỹ quốc gia về việc làm đã tạo cơ hội cho những người như chúng tôi được tiếp cận với nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh cũng như có điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất phát triển kinh tế tạo việc làm tăng thu nhập, ổn định cuộc sống”./.

Phạm Thùy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực