“Công tác dân vận không phải là để lấy lòng mà phải giải quyết được vấn đề”

Thứ ba, 17/04/2018 22:25
(ĐCSVN) – Đó là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” diễn ra ngày 17/4.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải.

Quang cảnh buổi làm việc - Ảnh: Minh Châu

Báo cáo đoàn kiểm tra, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cho biết, ngay sau khi nghị quyết được ban hành, cấp ủy đảng đã tích cực triển khai thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW; thực hiện công tác dân vận gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và các phong trào thi đua yêu nước. Nhận thức về vị trí, vai trò công tác dân vận, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu được nâng lên.

Hệ thống dân vận từ TP đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Hoạt động của hệ thống dân vận có nhiều đổi mới, chủ động, thiết thực, hiệu quả trong công tác tham mưu, phối hợp. Việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được mở rộng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Việc phối hợp công tác dân vận với các cấp, các ngành, đơn vị ngày càng chặt chẽ và hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng công tác dân vận và củng cố mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Thành ủy và các cấp ủy đã tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, chấn chỉnh lề lối, phong cách làm việc theo hướng trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân; hướng mạnh về cơ sở, bám sát thực tiễn, kịp thời phát hiện, xử lý, tháo gỡ những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân; đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; đồng thời, phát huy dân chủ, đi liền giữ vững kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nói đi đôi với làm.

Công tác dân vận được các cấp chính quyền thành phố chú trọng, chăm lo giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, góp phần củng cố mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Với tinh thần “Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo, giải quyết hiệu quả những vấn đề thiết thực đến đời sống của nhân dân; quan tâm lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp xây dựng của nhân dân. Kịp thời điều chỉnh những chủ trương, cách làm không phù hợp; quan tâm thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, người nghèo, người khuyết tật. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng nâng cao, tập hợp và thu hút được đông đảo đoàn viên, hội viên tham gia. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ngày càng phát triển cả bề rộng và chiều sâu, góp phần tích cực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thủ đô.

Sau khi lãnh đạo TP, đại diện các ngành, đoàn thể làm rõ các vấn đề mà đoàn kiểm tra nêu, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã xác định nhiệm kỳ này có thành công hay không chính là việc người dân có đồng thuận hay không với chủ trương, chính sách của TP.

“Lòng tin của dân không phải là sản phẩm có sẵn, không phải nghiễm nhiên người dân dành lòng tin cho hệ thống chính trị mà phải thường xuyên quan tâm, đánh giá, bảo vệ, phát triển. TP luôn chú trọng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo được đẩy mạnh. TP đã xác định trên 200 vụ việc để xử lý, quan tâm giải quyết từ việc nhỏ nhất. Dù có làm bao nhiêu cho dân cũng không bao giờ là đủ”, Bí thư Thành ủy nói.

Theo đồng chí Hoàng Trung Hải, hiệu quả về lòng tin của nhân dân thể hiện rõ qua kết quả phát triển kinh tế-xã hội của TP. Trong 2 năm qua, Hà Nội tiếp tục phát triển về kinh tế, ổn định về an ninh, trật tự an toàn xã hội, chính sách cho người có công, cải cách hành chính, dịch vụ công được cải thiện...

Bí thư Thành ủy cho rằng, công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay đứng trước nhiều thách thức. Cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện, tri thức được nâng cao, dân chủ được mở rộng, luật pháp ngày càng hoàn thiện và đồng bộ, vì vậy, nhiệm vụ đặt ra là phải xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận ngày càng chất lượng, có nhận thức, kỹ năng, trình độ vận động nhân dân.

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: Minh Châu

Kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, với đặc thù là Thủ đô, Hà Nội đã triển khai thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW phù hợp với thực tiễn, chú trọng giáo dục đạo đức, pháp luật, lối sống, văn hóa cho người dân; đổi mới hoạt động của hệ thống chính quyền.

Theo đồng chí Trương Thị Mai, sự đồng bộ trong công tác phối hợp, gắn với đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng, chỉnh đốn Đảng, sắp xếp tổ chức bộ máy, cải cách hành chính; việc tổ chức thành công những sự kiện lớn của đất nước trên địa bàn Thủ đô cũng như giải quyết những vấn đề thiết thực, chính đáng của người dân, những kết quả mà TP đạt được trên các lĩnh vực đã tạo được niềm tin trong nhân dân. Việc hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị của Hà Nội cũng chính là minh chứng thể hiện sự thành công của công tác dân vận.

“Cho dù có việc TP đã giải quyết xong, có việc còn đang tiếp tục giải quyết, nhưng nỗ lực của TP đã được người dân ghi nhận”, đồng chí Trương Thị Mai nói.

Đề cập đến một số hạn chế của TP trong thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị thời gian tới, Hà Nội cần nỗ lực nhiều hơn trong việc nắm bắt, giải quyết nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, chấm dứt tình trạng một số cán bộ thờ ơ, vô cảm khi tiếp xúc, giải quyết vấn đề với dân như thời gian vừa qua.

Đồng thời, công tác dân vận cần tiếp tục phải được lồng ghép trong chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị hướng đến đời sống thiết thân, nguyện vọng chính đáng của người dân, dành sự quan tâm nhiều hơn cho nhóm yếu thế, địa bàn nông thôn, giảm cách biệt giữa thành thị và nông thôn, tạo sự công bằng xã hội cũng như giải quyết dứt điểm các điểm nóng trên địa bàn gắn với phát huy tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên.

“Dân vận chính quyền phải là trọng điểm trong công tác dân vận, phải giảm bớt phiền hà, xin cho, nhũng nhiễu khi tiếp xúc với dân. Công tác dân vận không phải là để lấy lòng mà phải tới nơi, tới chốn, giải quyết được vấn đề”, Trưởng ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh./.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực