Hà Nội đạt kết quả phát triển khá toàn diện sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính

Thứ hai, 02/07/2018 17:19
(ĐCSVN) - Đánh giá của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội cho thấy kết quả thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 về mở rộng địa giới hành chính, kinh tế Thủ đô phát triển ổn định ở mức cao, đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực và không gian kinh tế được mở rộng, phát triển.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh:TH)

Sáng 2/7, tại Hà Đông, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khoá XVI tiến hành hội nghị lần thứ mười bốn xem xét, thảo luận, quyết định một số nội dung quan trọng.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, hội nghị diễn ra trong 2 ngày 2 – 3/7 nhằm xem xét, thảo luận về Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khóa X), Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội (khoá XII) về “Điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”; Báo cáo kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020.

Hôi nghị cũng xem xét báo cáo kết quả công tác xây dựng Đảng, tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng 6 tháng đầu năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 của Thành ủy. Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ về tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 của TP Hà Nội.

Hà Nội nằm trong tốp 10 thành phố có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới

Báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khoá X), Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội (khoá XII) về “Điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, trong 10 năm (2008-2018), Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết 15/2008/QH12, đạt được 7 kết quả nổi bật.

Theo đó, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với những thành tựu to lớn, toàn diện, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước, xứng đáng là trái tim của Tổ quốc, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.

Đáng chú ý, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 10 năm (2008-2018) tăng gần 2 lần (năm 2017 đạt 519.568 tỷ đồng); thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 86 triệu đồng (3.910 USD/người), gấp 2,3 lần so với năm 2008 (1.697 USD).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Một số ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, trình độ cao, chất lượng cao tiếp tục phát triển như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin và truyền thông, du lịch - dịch vụ... Lĩnh vực thương mại tiếp tục được chú trọng phát triển, năm 2017, kim ngạnh xuất khẩu đạt 11,78 tỷ USD, gấp 1,7 lần năm 2008. Thu ngân sách năm 2017 đạt trên 212 nghìn tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm 2008; chi ngân sách địa phương tăng bình quân 15,76%, năm 2017 gấp 3,6 lần so với năm 2008; tổng vốn đầu tư xã hội cũng gấp 2,85 lần so với thời điểm mới hợp nhất…

Ngành du lịch phát triển nhanh, khách quốc tế tăng từ 1,3 triệu lượt năm 2008 tăng lên 4,95 triệu lượt năm 2017 (tăng 3,8 lần). Hà Nội nằm trong tốp 10 thành phố có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Xây dựng nông thôn mới cũng đạt kết quả nổi bật, diện mạo nông thôn đổi mới toàn diện và rõ rệt. Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết năm 2017, đã có 4 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức) được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới; toàn TP có 294/386 xã (chiếm 76,2%) đạt chuẩn nông thôn mới.

Đặc biệt, công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, đất đai trên địa bàn Thành phố có nhiều chuyển biến tích cực; hạ tầng kỹ thuật và xã hội được quan tâm đầu tư; diện mạo đô thị ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại; khu vực nông thôn được quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, diện mạo khởi sắc rõ nét. Thông qua việc thực hiện Chương trình số 02 về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, Thành phố đã ưu tiên, dành nguồn lực lớn đầu tư phát triển cho các huyện ngoại thành. Đến nay, Thành phố đã có 4 huyện, 294/386 xã (chiếm 76,2%) đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2017 đạt 38 triệu đồng/người/năm, gấp 3 lần so với năm 2008 (13 triệu đồng).

Bên cạnh đó, sự nghiệp văn hóa - xã hội, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, lĩnh vực văn hóa tiếp tục phát triển; giáo dục và đào tạo được đổi mới, giữ vững lá cờ đầu của cả nước; khoa học - công nghệ tiếp tục được chú trọng phát triển. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân có nhiều tiến bộ; các bệnh viện tuyến TP đã tích cực phát triển các kỹ thuật cao trên một số lĩnh vực. Các vấn đề về an sinh xã hội được tập trung giải quyết hiệu quả; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,69% theo chuẩn mới.

Phải nhất thiết thu hồi đối với các dự án không triển khai

Phát biểu tại hội nghị, 10 ý kiến của các đại biểu đều khẳng định những kết quả mà Thủ đô đạt được trong 10 năm qua thể hiện chủ trương đúng đắn, tầm nhìn xa của Đảng, Nhà nước; cũng là kết quả của sự chủ động, đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 15 của Quốc hội. Đến nay, Nghị quyết đã đi vào cuộc sống và được người dân hưởng ứng tích cực. Người dân cũng đánh giá cao lãnh đạo Thành phố đã sâu sát cơ sở, lắng nghe ý kiến của nhân dân; cử tri đánh giá cao trách nhiệm của Thành phố khi luôn quan tâm đến phát triển nông thôn mới.

Bí thư Huyện uỷ Mỹ Đức Bạch Liên Hương cho rằng, Mỹ Đức có sự đổi thay rất rõ rệt. Trong đó cái được lớn nhất là tư duy, cách làm của các cơ quan, ban, ngành của huyện bài bản, khoa học hơn rất nhiều. Thu nhập đầu người năm 2008 là 5,6 triệu/người/năm nay lên 36 triệu/người/năm. Hộ nghèo từ 16% đến nay chỉ còn 6%.

Cùng quan điểm Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú cũng khẳng định khi về với Hà Nội, phương pháp công tác và cách thức làm việc của cán bộ huyện cũng khác hơn do tiếp xúc, học hỏi từ các quận, huyện bạn và do yêu cầu, khối lượng công việc sau hợp nhất cũng khác. Từ một huyện còn khó khăn, đến nay, Phúc Thọ đã vươn lên trong xây dựng nông thôn mới, chỉ còn 2 xã chưa đạt. Thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2017 đạt 38 triệu đồng người/năm, gấp 4 lần so với thời điểm trước hợp nhất.

Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hải Hoa thông tin, trước khi hợp nhất về Thủ đô, Phú Xuyên là huyện xuất phát điểm có nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, làng nghề. Đến nay, huyện luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đời sống nhân dân có chuyển biến rõ nét. Thu nhập bình quân tăng từ 7,4 triệu đồng/người/năm lên 33 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,04% xuống 3,06%. Đặc biệt, các nội dung liên quan đến an sinh xã hội được Thành phố quan tâm đầu tư, nhân dân được hưởng thụ và rất phấn khởi, nhất là về điện, nước, đường giao thông… Đến nay, huyện có tuyến đường điện cao áp, không còn bị cắt điện luân phiên, có đường cấp nước sạch, có xe buýt trợ giá... Quan trọng hơn, huyện đã xóa toàn bộ các phòng học tạm, xây dựng nhiều trường chuẩn quốc gia, các trạm y tế xã...

Bí thư Huyện ủy Ba Vì Hà Xuân Hưng đánh giá, thời điểm sau hợp nhất, các đồng chí lãnh đạo Thành phố đã quan tâm, nhiều lần về huyện làm việc để nắm bắt, tháo gỡ khó khăn. Chính vì thế, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội của Ba Vì, nhất là về giao thông, kiên cố hóa trường học… được ưu tiên đầu tư, tạo diện mạo khởi sắc cho các vùng nông thôn.

Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn nêu quan điểm, việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô là hoàn toàn đúng đắn khi kết quả kinh tế Thủ đô tăng trưởng, xây dựng nông thôn mới khởi sắc; cải cách hành chính đứng thứ 2/63 tỉnh, thành; an ninh chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Đặc biệt, sau 10 năm nhìn lại, chủ trương sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính Hà Nội là hoàn toàn đúng đắn, hợp lòng dân. Dù lúc đầu còn có những hoài nghi song thực tiễn qua 10 năm cho thấy, công tác sắp xếp, kiện toàn bộ máy khi hợp nhất Hà Nội chính là thành công lớn nhất. Thành tựu đó còn là tiền đề để Hà Nội thực hiện Nghị quyết 39 sau này.

Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh:TH)

Đối với Thạch Thất, khi bắt đầu mở rộng là huyện tiếp nhận thêm 3 xã của tỉnh Hòa Bình với khởi điểm kinh tế khó khăn nhưng sau 10 năm hợp nhất huyện tăng trưởng kinh tế trung bình 12% trong 10 năm, tỷ lệ hộ nghèo từ 9,3% năm 2008 đến nay chỉ còn 1,18%. Thu nhập bình quân từ 13 triệu đồng/người/năm thời điểm năm 2008 lên 52 triệu đồng/người/năm.

Chia sẻ với quan điểm nêu trên, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng cho biết, sự đoàn kết, hòa đồng trong nhân dân nói chung, trong kiện toàn, sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính sau mở rộng nói riêng, không còn sự phân biệt vùng miền, trình độ… là thành tựu vượt bậc mà Hà Nội đã làm được.

Các đại biểu cũng đồng tình với các hạn chế còn tồn tại liên quan đến quy mô và tốc độ phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của Thủ đô, nhất là tiềm năng, thế mạnh về không gian phát triển và nguồn lực đất đai; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp. Công nghệ và trình độ quản lý sản xuất chậm đổi mới. Chất lượng công tác quy hoạch còn hạn chế; xây dựng, quản lý phát triển đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu. Khoa học và công nghệ chưa phát huy được vai trò là động lực phát triển. Công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của bộ máy hành chính có nơi, lĩnh vực chưa thực sự quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Đạo đức, lối sống, tinh thần gương mẫu trong thực thi nhiệm vụ của một số cán bộ, đảng viên, công chức còn hạn chế, thái độ phục vụ còn gây bức xúc người dân và doanh nghiệp. Tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp… Các đại biểu đề nghị trong thời gian tới, Thành phố cần quyết liệt hơn trong công tác xử lý vi phạm về đất đai vì thành phố hiện có nhiều dự án triển khai chậm. Do đó, phải nhất thiết thu hồi đối với các dự án không triển khai và đối với các dự án chậm phải có kế hoạch thời gian cụ thể tránh chây ì…/.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực