“Hiến kế” giảm... họp

Thứ hai, 30/07/2018 11:26
(ĐCSVN) – Nói về tình trạng hội họp hiện nay, nhiều người cho rằng cần có một giải pháp mạnh nào đó xóa bớt đi những cuộc họp vô bổ, tốn kém về thời gian, tiền bạc. Vậy làm cách nào để giảm họp?

Ảnh minh họa. Nguồn: tuoitre.vn

Những cuộc họp vô bổ

Bên cạnh những cuộc họp thực sự cần thiết và hiệu quả trong việc tổ chức triển khai nhiệm vụ thì hiện còn nhiều cuộc họp vô bổ, những cuộc họp “bình phong” tốn kém về thời gian, sức lực và tiền bạc của dân…

Nói về vấn đề này ông Thang Văn Phúc cho hay, khi còn là Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã thống kê cứ 8 tiếng trên cả nước có gần 3.000 cuộc họp, ngân sách chi tiêu cho hội họp mất khoảng 1,5 tỷ đồng mỗi ngày. “Riêng tôi hồi trước nhận được hơn 400 giấy mời họp mỗi năm, chỉ đi họp đã hết ngày, không cải cách gì được”. Điều này có nghĩa là ngày nào cũng họp và họp, họp triền miên và sau nhiều năm không thấy thay đổi gì đáng kể; họp nhiều thế lấy thời gian đâu mà làm việc!

Vì sao họp nhiều thế? Ông Thang Văn Phúc chia sẻ: Do bộ máy nhiều tầng nấc, chức trách, nhiệm vụ không rõ. Tôi nói ví dụ ở địa phương, một cán bộ lãnh đạo phải dự ít nhất 3-4 cuộc họp cùng nội dung. Đầu tiên là họp Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương về vấn đề đó, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ cho, rồi Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh. Tiếp đó là họp lãnh đạo tỉnh và các sở ngành liên quan, và còn họp HĐND và họp với cấp dưới để triển khai.

Tất nhiên để giải quyết công việc thì phải họp, nhưng trong hệ thống chính trị thì chỉ nên họp ở cấp chiến lược, cấp ra chủ trương; còn công việc cụ thể của cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính cần được luật hóa và “cứ theo luật mà làm, không phải họp”.

Một con số không khỏi giật mình là, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư (TP Hồ Chí Minh) Sử Ngọc Anh phản ánh thực trạng các sở ngành, quận huyện họp quá nhiều. Trong 7 tháng đầu năm, lãnh đạo Sở phải dự hơn 2.000 cuộc họp. Bình quân mỗi người họp 3-4 lần một ngày; chưa kể họp đột xuất, phát sinh. Còn Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Thanh Nhã cũng “than” vì cùng 3 phó giám đốc, lãnh đạo phòng ban, cán bộ chủ chốt phải dự hơn 1.500 cuộc họp, tính từ đầu năm đến tháng 8/2017…

Kinh phí cho việc họp hành cũng tốn kém, họp dài ngày kinh phí càng nhiều, chế độ ăn, nghỉ của đại biểu, tiền thuê hội trường, tiền nước uống, thuê loa đài, thuê người trang trí, phục vụ...Chưa nói đến chế độ hội nghị cũng còn khá bất cập, cấp dưới ít hơn cấp trên, cơ sở thấp thua cấp huyện, cấp tỉnh... Một điều dám khẳng định chắc chắn rằng tất cả các cuộc họp ở mọi cấp, ngành đều vi phạm quy chế thời gian.

Về ý thức tham gia họp còn nhiều chuyện phải bàn. Như trong giờ họp không ít người làm việc riêng như đọc báo, nói chuyện, thậm chí không ít người chỉ có mặt lúc điểm danh, sau đó đi làm việc riêng, đến muộn nghỉ sớm, tình trạng khai mạc thì đông, cuối buổi thì vắng còn xảy ra.

Việc phải đi dự họp quá nhiều khiến không ít cán bộ đầu ngành, hoặc người đứng đầu cơ quan không có thời gian và đủ trí tuệ bàn thảo. Vì vậy mới có chuyện nhân viên cấp dưới lại phải chuẩn bị sẵn “phao” cho sếp đi họp và phát biểu theo ý của... cấp dưới.

Cách nào để giảm họp?

Ngày 26/7, tại TP. Hồ Chí Minh, phát biểu tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Khơi dậy và phát huy truyền thống năng động, sáng tạo để phát triển TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 – 2020 và những năm tiếp theo”, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nêu: “Ai cũng thấy chúng ta họp nhiều quá, không còn thời gian đi cơ sở. Nếu mỗi năm giảm 10% số cuộc họp không cần thiết cho cả nhiệm kỳ 5 năm thì sẽ giảm được 50% số cuộc họp, nhưng có làm được hay không thì rất mong các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân hiến kế”.

Để giảm họp, vừa qua Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã quyết định lập Ban biên soạn Đề án Chế độ hội họp trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước gồm 19 thành viên, do Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm đứng đầu. Ban có nhiệm vụ tổ chức hội thảo, khảo sát thực trạng hội họp của các cơ quan và xây dựng đề án trình chính quyền thành phố xem xét.

TS Nguyễn Sĩ Dũng đề xuất: Để giảm họp nhiều thì cải cách thể chế là quan trọng nhất, như vậy hệ thống mới thông suốt, thống nhất. Cần phân cấp, phân quyền. Trong đó, yêu cầu giao quyền phải thật rõ. Cấp nào được quyết định việc gì và cứ thế mà thực hiện. Cấp trên chỉ việc kiểm tra, giám sát chứ không cầm tay, chỉ việc, can thiệp công việc cấp dưới. Cần có quy định pháp luật điều chỉnh về kỹ thuật, hình thức tổ chức họp hành phù hợp với mục đích, bảo đảm hiệu quả cuộc họp.

Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ có nhiều ý nghĩa trong việc giảm các cuộc họp triển khai công việc, giao ban, thông báo, thông tin. Ứng dụng công nghệ thông tin “họp thời @” sẽ phát huy tác dụng hiệu quả hơn. Còn theo TS Lê Văn In, để bảo đảm họp có hiệu quả thì người chủ trì họp phải là người có thẩm quyền ban hành quyết định, giải quyết được vướng mắc. Còn người dự họp phải là người đứng đầu cơ quan chuyên môn, cấp chính quyền địa phương có trách nhiệm chính trong việc triển khai, điều hành công việc.

Giảm được hội họp, cán bộ có thời gian đi cơ sở, tham mưu đề xuất nhiều cái mới, có lợi hơn cho sự phát triển chung. Hiện nhiều nơi ứng dụng cách họp trực tuyến để giảm thiểu chi phí đi lại, đỡ mất thời gian. Nhưng cách tổ chức họp vẫn chưa ổn. Có những cuộc họp mà hết gần phân nửa thời gian dành để đọc báo cáo. Thời gian còn lại thì các địa phương đọc tham luận rồi người chủ trì lại đọc một bản kết luận đã chuẩn bị sẵn...

Nguyên tắc cơ bản để giảm họp là tổ chức tốt chức năng quản lý nhà nước của từng cơ quan, đơn vị; thực thi đúng chức năng nhiệm vụ của từng bộ phận, cá nhân, phát huy vai trò người đứng đầu.

Chỉ những vấn đề theo quy định cần lấy ý kiến tập thể thì mới phải họp chứ không phải đụng chuyện gì cũng họp xin ý kiến.

Để giảm bớt các cuộc họp vô bổ thì chính các cơ quan của Chính phủ, chính quyền cấp tỉnh phải làm gương trước trong cải cách hành chính, triệt để ứng dụng công nghệ trong tổ chức điều hành. Đặc biệt, cần xem xét chương trình bồi dưỡng lãnh đạo về kỹ năng hội họp. Có những việc lặp đi lặp lại hằng năm thì nên xây dựng thành quy trình và cẩm nang thực hiện, chỉ định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác đánh giá cán bộ công chức theo kết quả công việc. Phải bỏ bớt các cuộc họp đôn đốc thực hiện nhiệm vụ hoặc báo cáo sơ kết, tổng kết và triệt để ứng dụng công nghệ thông tin để điều hành. Phải quyết liệt giảm những cuộc họp vô bổ để xã hội không coi công chức chỉ là “nghề họp”./.

Nguyễn Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực