Phiên làm việc đầu tiên Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ IX

Thứ tư, 18/09/2019 17:54
(ĐCSVN) - Chiều 18/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ đô Hà Nội đã diễn ra phiên làm việc đầu tiên Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 – 2024.

Triển lãm ảnh “Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”

Đoàn đại biểu dự Đại hội MTTQ Việt Nam vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh


Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX (Nguồn: Truyền hình VTV3)

 

Tham dự Đại hội có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; các đồng chí Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy viên Uỷ ban MTTQ Việt Nam cùng 999 đại biểu chính thức và đại biểu khách mời.


Quang cảnh Đại hội

Để thiết thực hưởng ứng chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo năm 2019, trước khi tiến hành các nội dung của phiên làm việc đầu tiên của Đại hội, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phát động và kêu gọi toàn thể Đại hội tham gia chương trình nhắn tin ủng hộ người nghèo. Mỗi tin nhắn của đại biểu góp phần ủng hộ 20.000 đồng cho quỹ vì người nghèo. Việc nhắn tin được thực hiện theo cú pháp: VNN (từ 1 đến 100), mỗi đơn vị tương ứng với số tiền là 20.000 đồng

Với chủ đề “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển”, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024, có nhiệm vụ đánh giá toàn diện tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2014 - 2019, rút ra những bài học thực tiễn sâu sắc, đề ra các chương trình hành động thiết thực, hiệu quả trong nhiệm kỳ mới.

Trong ngày đầu tiên của Đại hội, các đại biểu đã hiệp thương cử Đoàn Chủ tịch của Đại hội gồm 59 vị và Đoàn Thư ký của Đại hội gồm 5 vị; thông qua Chương trình và Quy chế làm việc của Đại hội; Báo cáo kiểm điểm hoạt động của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2014 - 2019; Thảo luận Báo cáo kiểm điểm hoạt động của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2014 - 2019.

Báo cáo kiểm điểm hoạt động của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2014 - 2019 do đồng chí Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày nêu rõ, nhiệm kỳ qua, Uỷ ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những vấn đề Nhân dân quan tâm; quyết tâm đổi mới, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Xác định rõ nội dung, phương thức, giải pháp để thực hiện bảo đảm vai trò, trách nhiệm trong tuyên truyền, vận động xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao hiệu quả công tác Mặt trận theo Nghị quyết và Chương trình hành động do Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ VIII đã đề ra.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh trình bày Báo cáo kiểm điểm hoạt động của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII.

Quá trình triển khai thực hiện đã chú trọng thực hiện tốt hơn vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, làm sâu sắc tính chất liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của Mặt trận, thực hiện nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phân công trách nhiệm cụ thể, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong hành động và phát huy tốt hơn thế mạnh của từng tổ chức thành viên trong công tác Mặt trận.

Các nội dung công tác và hoạt động của Mặt trận tiếp tục hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư, giảm bớt tính hình thức. Tập trung và phát huy tốt hơn các nguồn lực, nhất là các nguồn lực của các tổ chức thành viên, trí tuệ của các vị Ủy viên Ủy ban, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, các Hội đồng tư vấn để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác Mặt trận. Tăng cường phối hợp thực hiện nhiệm vụ nhất là đối với các cơ quan Đảng, Nhà nước và các địa phương để bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo cơ chế đảm bảo cho tổ chức Mặt trận hoạt động đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ công tác trong giai đoạn mới.

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hầu A Lềnh nhấn mạnh: Những thành quả đạt được trong nhiệm kỳ qua do nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng là sự quan tâm thường xuyên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự đổi mới, tăng cường phối hợp thường xuyên, chặt chẽ của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan trong hệ thống chính trị ở Trung ương; sự phối hợp, thống nhất hành động có trách nhiệm của các tổ chức thành viên; sự hợp tác tích cực của tổ chức quốc tế tương đồng ở một số quốc gia, dân tộc; những đóng góp tích cực của các cấp Mặt trận và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư; sự nỗ lực đóng góp và phát huy trách nhiệm của các vị Ủy viên Ủy ban, Ủy viên Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực, Hội đồng tư vấn... Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực (khóa VIII) đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đại hội giao.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch – Phó Chủ tịch Hầu A Lềnh cũng nêu rõ những hạn chế, yếu kém còn tồn tại. Đó là việc bày tỏ thái độ, chính kiến của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực trước một số vấn đề cấp bách, vấn đề mới phát sinh đang thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân có lúc, có việc chưa kịp thời. Việc tham gia xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát và phản biện xã hội, chăm lo, bảo vệ, đại diện quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân tuy đã đạt được kết quả bước đầu nhưng hiệu quả ở một số nội dung, lĩnh vực còn chưa cao. Một số kiến nghị, phản ánh trong giám sát và phản biện xã hội chưa sâu sắc, chưa đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; trách nhiệm đôn đốc, giám sát việc giải quyết, trả lời, phản hồi các kiến nghị hậu giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận, các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân mặc dù đã được quan tâm hơn, song có lúc, có nơi, có việc còn thiếu quyết liệt…

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cũng nêu rõ 5 bài học kinh nghiệm được rút ra. Trong đó nhấn mạnh đến việc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng là tiền đề quan trọng để Mặt trận phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm của mình; Đó còn là yếu tố then chốt để hoàn thiện về cơ chế và thực hiện tốt các mối quan hệ giữa Mặt trận với các cơ quan Nhà nước khác trong hệ thống chính trị; Phát huy dân chủ trong sinh hoạt của Ủy ban, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực là yêu cầu quan trọng, hàng đầu tạo động lực sáng tạo của tổ chức Mặt trận; luôn gắn bó, nắm bắt đầy đủ, hiểu biết sâu sắc tâm tư, nguyện vọng và yêu cầu chính đáng của các tầng lớp nhân dân; mở rộng thành phần và đa dạng hóa các hình thức để lắng nghe đa chiều, phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân là nhân tố quan trọng bảo đảm cho Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực có những đề nghị xác đáng, trúng, đúng, kịp thời với Đảng, Nhà nước trong việc đề ra và ban hành những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân…

Các đại biểu thông qua chương trình đại hội.

Ngày mai (19/9), Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 chính thức khai mạc.

Trong ngày làm việc 19/9, các đại biểu sẽ thảo luận, góp ý vào Báo cáo của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam khoá VIII trình Đại hội. Bên cạnh các ý kiến tham luận và phát biểu thảo luận của Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương, các tổ chức thành viên, các chuyên gia, cá nhân tiêu biểu tại hội trường chính sẽ có 5 trung tâm thảo luận của Đại hội về 5 chương trình hành động trong nhiệm kỳ tới.

Trong ngày cuối cùng của Đại hội, các đại biểu sẽ tham gia thảo luận và thông qua Điều lệ MTTQ Việt Nam khóa IX trước khi tiến hành Hiệp thương cử Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Tại phiên bế mạc chiều ngày 20/9, các đại biểu sẽ được nghe về tình hình và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, công tác phối hợp giữa Chính phủ và Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Các đại biểu sẽ được nghe báo cáo kết quả Hội nghị lần thứ nhất Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX nhiệm kỳ 2019 - 2024. Đại hội cũng sẽ công bố danh sách Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực và các chức danh trong Ban thường trực.

Đại hội sẽ đưa ra Lời kêu gọi và thông qua Nghị quyết Đại hội. Ngay sau khi bế mạc Đại hội, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX sẽ tổ chức họp báo thông báo kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX nhiệm kỳ 2019 - 2024…/.

Tham dự Đại hội có 999 đại biểu chính thức với cơ cấu, thành phần rất phong phú. Có 332 đại biểu đương nhiên, 536 đại biểu cử (88 người do các tổ chức thành viên MTTQ cử, 448 người do các tỉnh, thành cử) và 131 đại biểu chỉ định. Đại biểu nữ là 326 người, (chiếm trên 32%); Đại biểu là người ngoài Đảng là 497 người (chiếm 49,74%), đại biểu là dân tộc thiểu số là 281 người (chiếm 28,13%); đại biểu các tôn giáo là 192 người (chiếm 19,22%); đại biểu là người Việt Nam ở nước ngoài là 25 người (chiếm 2,5%); đại biểu là các nhà doanh nghiệp là 84 người (chiếm 8,45%); 235 người đại biểu là cán bộ Mặt trận chuyên trách (chiếm 23,5%); 74% đại biểu có trình độ Đại học trở lên, trong đó có 18 Giáo sư, 36 Phó Giáo sư, 84 Tiến sĩ, 136 thạc sĩ…

Đại biểu cao tuổi nhất là Hòa Thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Hội đồng chứng minh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, 102 tuổi (102 tuổi). Đại biểu trẻ tuổi nhất: 21 tuổi (sinh năm 1998) là: bà Lê Thị Nga, vận động viên bắn súng tỉnh Đồng Nai; bà Huỳnh Minh Phương, sinh viên K16 Khoa Luật, Chủ tịch Hội sinh viên trường Đại học Kinh tế - Luật TP Hồ Chí Minh và ông Lý Xuân Lèng, cá nhân tiêu biểu dân tộc Cờ lao, xã Bạch Dích, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang..

Phan Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực