Bổ nhiệm lãnh đạo “nợ tiêu chuẩn”!

Thứ sáu, 28/07/2017 23:26
(ĐCSVN) – Thời gian qua, dư luận được biết nhiều đến cụm từ “nợ công”, “nợ nông thôn mới”, "nợ lương"…và gần đây là “nợ tiêu chuẩn”. Thật ra, cụm từ bổ nhiệm cán bộ “nợ tiêu chuẩn” không mới, nhưng nó làm cho dư luận và nhân dân bức xúc khi thời gian qua, giám sát của Quốc hội và thanh tra của Bộ Nội vụ phát hiện rất nhiều cơ quan, đơn vị địa phương bổ nhiệm lãnh đạo “nợ tiêu chuẩn”.
Ảnh minh họa: doisongphapluat.com

Nhiều cán bộ, công chức bổ nhiệm “nợ tiêu chuẩn”

Theo kết luận thanh tra về việc thực hiện các quy định của pháp luật về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, tiêu chuẩn ngạch của công chức lãnh đạo, quản lý hồ sơ công chức và công tác văn thư, lưu trữ của UBND tỉnh Thái Bình trong năm 2013 và 2014, cán bộ “nợ tiêu chuẩn” được Bộ Nội vụ công bố khi kiểm tra 637 hồ sơ công chức giữ chức danh lãnh đạo, quản lý ở tỉnh này là 7 trường hợp thiếu bằng đại học, 01 trường hợp thiếu bằng trung cấp, 149 trường hợp thiếu chứng chỉ quản lý Nhà nước chương trình chuyên viên và 142 trường hợp thiếu chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A, B. Đa số các công chức lãnh đạo giữ ngạch chuyên viên chính khi đoàn kiểm tra yêu cầu đã không xuất trình được đề án, công trình có sáng tạo trong quản lý theo tiêu chuẩn ngạch.

Cũng tại thời điểm này, Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau cho biết thanh tra giai đoạn từ tháng 01/2011 – 02/2014, Sở Y tế bổ nhiệm lại 28 trường hợp công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trực thuộc Sở. Kiểm tra ngẫu nhiên 27/28 hồ sơ, thì có 12 trường hợp chưa đảm bảo tiêu chuẩn về quản lý nhà nước, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học theo quy định; 10 trường hợp không có biên bản lấy phiếu tín nhiệm; 16 trường hợp không có bản nhận xét đánh giá công chức, viên chức; 21 trường hợp không có bản nhận xét, đánh giá của thủ trưởng cơ quan; 22 trường hợp không có bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định, 4 trường hợp dù không nằm trong diện quy hoạch, không làm quy trình, không có tờ trình đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại nhưng vẫn được giám đốc Sở Y tế bổ nhiệm…

Việc bổ nhiệm công chức, lãnh đạo “nợ tiêu chuẩn” xem ra không còn là chuyện hiếm gặp. Tại cuộc họp báo ngày 17/2/2017, ông Nguyễn Hữu Tuấn (Quyền chánh thanh tra Bộ Nội vụ) cho biết cơ quan này đã tiến hành thanh tra tại 9 địa phương, đơn vị về việc tuyển dụng, bổ nhiệm gồm: tỉnh Hà Giang; xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An; huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế; huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk; tỉnh Bình Định; huyện Phong Điền, Cần Thơ; cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính; tỉnh Yên Bái; trung tâm Pháp y thuộc sở Y tế TP Đà Nẵng. Cơ quan thanh tra, Thanh tra Bộ Nội vụ phát hiện nhiều trường hợp tại thời điểm bổ nhiệm còn thiếu một hoặc một số tiêu chuẩn về trình độ lý luận chính trị, chứng chỉ quản lý nhà nước, ngoại ngữ và tin học… Như Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang khi bổ nhiệm còn thiếu trình độ ngoại ngữ B; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái khi bổ nhiệm thiếu nghiệp vụ chuyên viên chính; Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế khi bổ nhiệm thiếu chứng chỉ ngoại ngữ; Phó trưởng phòng Tài chính kế hoạch huyện A Lưới không có bằng lý luận chính trị, không có chứng chỉ ngoại ngữ; Phó trưởng phòng Tổ chức, hành chính, tài vụ, Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế Đà Nẵng không cung cấp được tài liệu liên quan đến phiếu và biên bản kiểm phiếu, kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với phó trưởng phòng...

Xem ra, việc bổ nhiệm “nợ tiêu chuẩn” chuyện lạ nhưng có thật, như vụ Trịnh Xuân Thanh là một điển hình trong công tác bổ nhiệm cán bộ. Nhân dân bất bình trước việc phát hiện ông Trịnh Xuân Thanh, trước đó là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC), mặc dù làm thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng của Nhà nước nhưng vẫn được luân chuyển, bổ nhiệm giữ các chức vụ quan trọng tại Bộ Công Thương, UBND tỉnh Hậu Giang…

Chưa hết, chuyện hàng trăm cán bộ lãnh đạo, quản lý của Sóc Trăng trong quá trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại không đủ một số tiêu chuẩn. Theo đó, Thanh tra Bộ Nội vụ cho biết giai đoạn từ 2014 đến 28/2/2017, UBND tỉnh Sóc Trăng có 108/550 hồ sơ khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với công chức lãnh đạo, quản lý không đáp ứng một hoặc một số tiêu chuẩn, điều kiện về trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, nghiệp vụ chuyên ngành, ngoại ngữ, tin học, kê khai tài sản, thu nhập...

Cũng tại Bến Tre, theo kết luận mới đây của Thanh tra Bộ Nội vụ, đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ cho 54 công chức lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn về lý luận chính trị, chứng chỉ quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học… Trong đó, có việc bổ nhiệm 01 Phó Giám đốc Sở Y tế khi chưa thực hiện các quy trình xét chuyển thành công chức.

Qua những ví dụ trên, theo nhận định của các chuyên gia, và dư luận thì hàng loạt những vụ việc liên quan đến bổ nhiệm lãnh đạo “nợ tiêu chuẩn” xảy ra tại nhiều địa phương thời gian vừa qua cho thấy, quy trình bổ nhiệm có tiếng là chặt chẽ, được làm qua rất nhiều bước nhưng xem ra “con voi vẫn chui lọt lỗ kim”.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Sau hàng loạt những sự việc liên quan đến việc bổ nhiệm cán bộ, công chức “nợ tiêu chuẩn”, nhiều ý kiến cho rằng, những quyết định bổ nhiệm có khách quan, minh bạch hay không? Có đúng qui trình, nguyên tắc công tác cán bộ hay không? Có vụ lợi, cả nể… không?. Những thiếu sót, hạn chế trong bổ nhiệm “nợ tiêu chuẩn” đã vô hình trung tạo điều kiện cho tiêu cực, chạy chọt “ghế ngồi” gia tăng.

Xung quanh câu chuyện nhiều lãnh đạo, công chức vẫn được bổ nhiệm dù “nợ tiêu chuẩn” ở một số địa phương, ông Lê Văn Giảng, nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết: “Thực tế, có nhiều trường hợp người lãnh đạo có năng lực nhưng vì một số lý do nào đó mà thiếu bằng cấp, thiếu chứng chỉ… nên vẫn được bổ nhiệm theo kiểu “châm chước” để sau này tiếp tục bổ sung những tiêu chuẩn còn “nợ”. Việc vận dụng linh hoạt như thế đôi khi phát huy tác dụng, nhưng nếu cứ mượn cớ đó mà bổ nhiệm trái quy định là không nên. Bởi lẽ nhiều người bổ nhiệm những cán bộ thiếu tiêu chuẩn nhưng gắn theo là những động cơ cá nhân để trục lợi.”

“Vì thế, chúng ta phải xem xét địa phương đó bổ nhiệm cán bộ dựa vào quy trình riêng (theo kiểu vận dụng linh hoạt) hay áp theo đúng quy định. Nếu quy trình của địa phương trái với nguyên tắc của Trung ương thì cần phải xem xét lại. Thực tế là có nhiều nơi họ cũng đã xem xét và rút quyết định. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, tiêu chí bổ nhiệm, đề bạt cán bộ phải rõ ràng, minh bạch, đúng tiêu chuẩn chứ không cán bộ nào được “nợ tiêu chuẩn”. Về nguyên tắc, khi không đạt tiêu chuẩn thì không bổ nhiệm. Việc cho “nợ tiêu chuẩn” là do cán bộ lạm dụng quyền lực, tự ý cho nợ để rồi lại nảy sinh tình trạng bổ sung tiêu chuẩn bằng việc chạy chọt, đút lót”.

Ông Lê Văn Giảng cũng cho biết thêm: “Việc địa phương vận dụng linh hoạt những chính sách từ Trung ương không phải nơi nào cũng có. Tôi lấy ví dụ, những nơi như vùng dân tộc miền núi vốn còn nhiều khó khăn thì chính sách phải linh hoạt để phù hợp với thực tiễn. Còn nhìn chung thì khi Trung ương hướng dẫn một đằng mà địa phương làm một nẻo thì chắc chắn là sai rồi. Với những trường hợp như thế, nếu có đủ bằng chứng chứng minh thì chúng ta phải kiểm điểm, thậm chí tiến hành kỷ luật những trường hợp sai phạm. Vấn đề nể nang nhau, chạy chọt hay bổ nhiệm để đối nội, đối ngoại không phải là mới nhưng thực tế là chúng ta vẫn chưa giải quyết được”.

Trao đổi với báo chí, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhận định: “Cũng có một vấn đề là những người có năng lực thực tiễn nhưng vì điều kiện nào đó mà chưa đủ bằng cấp, chưa đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm. Điều này đôi khi cũng tạo ra khó khăn vì nếu cứ bổ nhiệm thì sai mà không bổ nhiệm thì lãng phí nhân tài. Chính vì thế trong quy định bổ nhiệm cán bộ có quy định rất kịp thời là phải tiến hành, qui hoạch đào tạo trước khi bổ nhiệm để giúp cho những người lãnh đạo hoàn thiện kỹ năng của mình. Do đó, hiện nay những lãnh đạo còn thiếu tiêu chuẩn nhưng vẫn được bổ nhiệm là sai về mặt nguyên tắc”.

“Muốn khắc phục thì cơ quan đó phải tạo điều kiện giúp cho những người đó hoàn thiện nốt cái gì họ thiếu. Đó là phương án trước mắt. Phương án lâu dài là phải có những quy định cụ thể về vấn đề này. Hiện nay, chúng ta đang thiếu và tôi biết rằng, các cơ quan chức năng cũng đang tích cực bổ sung vào những quy định mới để không bỏ sót người tài, người có kinh nghiệm”.

Bộ Nội vụ cho biết, theo các kết luận của Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Nội vụ đã tiến hành kiểm điểm một số cán bộ, cơ quan liên quan đến việc bổ nhiệm “nợ tiêu chuẩn”. Đồng thời sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện thể chế, làm rõ hơn việc bổ nhiệm cán bộ theo quy hoạch, theo nhu cầu; trách nhiệm của các cơ quan trong từng khâu, nhất là chế tài xử lý.

Trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, ngày 15/6/2017, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ đạo xử lý nghiêm, yêu cầu thu hồi những quyết định trái pháp luật, xem xét miễn nhiệm chức vụ hoặc chấm dứt hợp đồng với những trường hợp bổ nhiệm không đúng pháp luật, kiểm tra làm rõ trách nhiệm và xử lý những tổ chức, cá nhân sai phạm.

Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh: “Yêu cầu các bộ, ngành, các cấp tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác cán bộ, trước mắt tập trung vào thực hiện các quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý... Năm 2017 phải thanh tra, kiểm tra tối thiểu 30% các đơn vị trực thuộc”./.

Minh Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực