Cần công khai nhân sự trước khi tiến hành Đại hội đại biểu

Thứ năm, 26/09/2019 15:11
(ĐCSVN) – Do đảng viên đông, tại các kỳ Đại hội Đảng các cấp phải tiến hành Đại hội đại biểu chứ không phải đại hội toàn thể đảng viên, cho nên những đảng viên không có mặt tại Đại hội hầu như không biết các thông tin về những nhân sự được giới thiệu để Đại hội bầu.
PGS.TS Lê Minh Thông kiến nghị về thực hiện dân chủ trong Đại hội Đảng. (Ảnh: HH)

PGS.TS Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã nêu quan điểm của mình tại Hội thảo khoa học “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới, những vấn đề lý luận và thực tiễn”, do Tạp chí Cộng sản và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia tổ chức ngày 25/9.

Trúng cử chức danh bí thư, chưa chắc đã trúng chủ tịch

Đồng chí Lê Minh Thông khẳng định, “bầu cử trong Đảng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để chọn ra người cầm quyền, quyết định sinh mệnh cầm quyền của Đảng. Làm thế nào để chọn được người đủ tâm, đủ tầm, đủ độ tin cậy để thực hiện cầm quyền của Đảng trong bộ máy thực thi quyền lực của nhân dân”.

Nói về vấn đề bầu cử bí thư kiêm chủ tịch ở những nơi có đủ điều kiện, đồng chí Lê Minh Thông cũng cho rằng, đây là vấn đề rất thận trọng khi tiến hành bầu cử vì nó liên quan mật thiết tới nhau. Một đồng chí được quy hoạch vào 2 chức vụ bí thư kiêm chủ tịch, đặt ra tình huống, nếu trúng cấp ủy, làm bí thư nhưng đưa ra dân bầu rộng rãi chưa chắc đã trúng cử. “Đặt ra tình huống anh có còn là Bí thư cấp ủy nữa không?”.

Do đó, theo đồng chí Lê Minh Thông, công tác cán bộ đối với những chức danh này cần làm chặt chẽ, thận trọng và bài bản. Vì tới đây, chúng ta tổ chức Đại hội Đảng trước và bầu cử HĐND sau. “Đây là vấn đề liên thông giữa bầu cử trong Đảng và bầu cử trong Nhà nước”.

Công khai thông tin bầu cử cho đảng viên được biết

PGS.TS Lê Minh Thông cho rằng đổi mới bầu cử trong Đảng là yếu tố then chốt nhất, đòi hỏi Đảng luôn hoàn thiện việc bầu cử của mình, lựa chọn chính xác nhất, hạn chế tối đa những sai lầm trong việc chọn người để thay mặt Đảng cầm quyền trong bộ máy nhà nước.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng việc bầu cử trong đại hội chi bộ thì tất cả các đảng viên có quyền lựa chọn và bầu cử cấp ủy. Tuy nhiên, từ đại hội cấp trên cơ sở trở lên, là thông qua đại cử tri. Như vậy quyền bầu cử, ứng cử của đảng viên theo Điều lệ là bị hạn chế vì như thế, họ không được đi dự đại hội, vô hình chung, họ không còn có tác động, không còn có chi phối gì đến bầu cử trong Đại hội. “Cứ vào đại hội là thẩm quyền bầu cử thuộc về đại biểu còn đại đa số đảng viên bị ảnh hưởng đến quyền ứng cử, đề cử, bầu cử. Quyền bầu cử thuộc về những người đại diện. Đó là dân chủ đại diện, nhưng dân chủ trực tiếp là rất quan trọng”.

“Đương nhiên đảng viên đông thì phải tổ chức Đại hội đại biểu, vậy thì giải pháp là phải cung cấp cho đảng viên những thông tin cần thiết về nhân sự của đại hội, để tránh tình trạng “râm ran tin đồn” ông này, ông kia vào cấp ủy. Trong khi đó đảng viên có quyền được biết thông tin này” – Đồng chí Lê Minh Thông nhấn mạnh.

Có hai khâu cần thiết phải cung cấp thông tin cho đảng viên. Cụ thể là khâu quy hoạch, phải cho đảng viên biết xem những ai quy hoạch vào đâu, chứ nếu quy hoạch mà chỉ cấp ủy biết, không công bố cho đảng viên thì đảng viên không thể kiểm soát được nhân sự sẽ đại diện cho mình thực hiện thẩm quyền. Vì vậy, cần công khai quy hoạch trước đại hội. “Ví dụ, chúng ta quy hoạch hơn 200 nhân sự vào diện Ủy viên Trung ương khóa XIII, 200 người đó phải được công khai để đảng viên biết, giám sát” – đồng chí Lê Minh Thông đề nghị.

Khâu thứ hai cần cung cấp thông tin cho đảng viên, đó là danh sách những người dự Đại hội đại biểu để cho đảng viên và nhân dân biết người đại diện, biết nhân thân nếu họ trong danh sách được bầu cử.

Hình ảnh tại Hội thảo. (Ảnh: HH)

Cùng quan điểm này, đồng chí Vũ Đình Hương, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho rằng, công khai quy hoạch, công khai danh sách bầu cử cũng là cách để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền như Quy định 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị mới ban hành. Đồng chí Vũ Đình Hương cho rằng, đây là lần đầu tiên vấn đề kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền chính thức được Bộ Chính trị ban hành trong một quy định do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ký. Lần đầu tiên một quy định đã chỉ rõ, cụ thể các hành vi chạy chức, chạy quyền và các hành vi bao che, dung túng, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.

Vấn đề này đã được Tổng Bí thư nhiều lần nhắc đến cơ chế kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền bằng hình ảnh "nhốt quyền lực vào trong lồng quy chế lập pháp", và để cùng với Hiến pháp và pháp luật, nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, sức mạnh của kỷ luật Đảng, vai trò giám sát của nhân dân sẽ tạo ra “chiếc phanh” cơ chế, “cái lồng” kiểm soát hiệu quả.

Theo đồng chí Vũ Đình Hương, cùng với những điều như quy định của Đảng thì phải thực hiện nghiêm nguyên tắc: dân chủ - công khai - minh bạch. Không chỉ cán bộ, đảng viên, mà người dân cũng cần được biết về công tác cán bộ. “Công tác nhân sự có cần phải giấu đến sát đại hội không? Công tác cán bộ cần phải công khai để dân cùng biết, cùng bàn, cùng giám sát, kiểm tra” – đồng chí Vũ Đình Hương nêu ý kiến./.

Hiền Hòa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực