Chú trọng công tác cán bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Ninh Thuận

Thứ năm, 03/10/2019 16:43
(ĐCSVN) - Những năm qua, tỉnh Ninh Thuận đã thực sự quan tâm đến công tác cán bộ ở cơ sở, bằng các hoạt động cụ thể như: đào tạo tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức; phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số; phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số..., qua đây góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở các địa phương.
Người Chăm ở Ninh Thuận làm giàu từ trồng măng tây. Ảnh: Báo Ninh Thuận

Xác định vai trò quan trọng của việc sử dụng ngôn ngữ đồng bào dân tộc thiểu số của cán bộ, công chức, viên chức trong giao tiếp và thực thi nhiệm vụ, tỉnh Ninh Thuận đã biên soạn tài liệu và mở lớp đào tạo tiếng Chăm cho các đối tượng trên đang công tác ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc Chăm sinh sống.

Mục tiêu của chương trình nhằm giúp cho học viên có những kiến thức cần thiết về tiếng Chăm, trong đó bao gồm hệ thống chữ viết, bộ vần, quy tắc chính tả, ngữ pháp cơ bản tiếng Chăm, hiểu biết thêm về con người, văn hóa truyền thống, phong tục tập quán đồng bào Chăm.

Theo chương trình biên soạn do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Trường Chính trị của tỉnh này, nội dung đào tạo có thời lượng 450 tiết với 10 chủ đề bằng song ngữ Chăm - Việt gồm: Gia đình - dòng tộc; làng xã; đất nước – quốc gia – quốc tế; làng Chăm ơn Đảng và Bác Hồ; thiên nhiên – môi trường; lao động – sản xuất; khoa học – giáo dục; chăm sóc sức khỏe; bảo vệ Tổ quốc; văn hóa – pháp luật. Đây là những kiến thức cơ bản giúp cho các học viên tìm hiểu về đời sống, phong tục, tập quán, văn hóa…của đồng bào Chăm.

Bà Bùi Thị Lam, cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Thuận cho hay, sau khóa học, học viên có sự đồng cảm, thấu hiểu hơn với đồng bào khi mình trao đổi được bằng tiếng dân tộc người Chăm bản địa. Từ đó tạo mối quan hệ chặt chẽ, gần gũi hơn.

Với quyết tâm cao của các học viên, sau khóa học, những kiến thức về chữ viết, ngôn ngữ Chăm đã được các học viên nắm bắt nhờ đó có thể giao lưu, đối thoại với đồng bào... qua đó phục vụ tốt cho công việc.

Năm 2019, ngoài đào tạo tiếng Chăm, tỉnh Ninh Thuận còn tiếp tục mở các lớp đào tạo tiếng dân tộc Raglai và một số tiếng dân tộc bản địa khác, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức biết được tiếng nói, chữ viết để tiếp cận, hiểu biết hơn về văn hoá, phong tục tập quán của đồng bào.

Tháp Poklonggarai của người Chăm ở Ninh Thuận (Ảnh: ninhthuantourism)

Cùng với việc đào tạo tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức, Ninh Thuận cũng chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, qua đó đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ công tác tại địa phương.

Từ thực tế cho thấy, vai trò của cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia trong bộ máy chính quyền địa phương đã góp phần đáng kể thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển, đặc biệt ở những vùng miền núi, khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Cán bộ am hiểu, gắn bó mật thiết với cư dân bản địa nên thuận lợi trong việc đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đi vào thực tế đời sống.

Từ lợi thế trên, tỉnh Ninh Thuận đã chủ động bổ nhiệm cán bộ người dân tộc thiểu số đảm bảo theo đúng vị trí việc làm, trình độ chuyên môn được đào tạo. Xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải có gần 16.500 nhân khẩu, trong đó có gần 8.300 người là đồng bào dân tộc Chăm, chiếm trên 50% dân số toàn xã. Xuân Hải có 9 thôn, trong đó có 4 thôn đồng bào dân tộc Chăm, cả 4 thôn đều có chi bộ độc lập trực thuộc Đảng bộ xã. Riêng về số lượng đảng viên, với trên 110 đảng viên là người Chăm, chiếm trên 87% trong toàn Đảng bộ xã.

Sự tăng cường công tác kết nạp đảng viên dân tộc Chăm đã giúp Đảng bộ xã làm tốt công tác dân vận, tạo động lực thúc đẩy các hội, đoàn thể ở các thôn đồng bào Chăm tham gia tích cực các hoạt động phong trào. Để cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số thực hiện tốt nhiệm vụ, ngoài việc chú trọng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ, chuyên môn, tỉnh Ninh Thuận còn quan tâm đến công tác phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số.

Nhằm đảm bảo tỷ lệ, cơ cấu hợp lý cán bộ người dân tộc thiểu số trong bộ máy cơ quan nhà nước trong thời gian tới, Ninh Thuận tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, bổ nhiệm việc làm phù hợp với năng lực, sở trường theo đúng quy định. Được biết, hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có gần 600.000 người sinh sống, trong đó 23% là đồng bào dân tộc thiểu số, riêng dân tộc Chăm có gần 74.000 người, Raglai trên 60.000 người và K’ho gần 3.400 người./.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực