Đổi mới định hướng đầu tư, đưa Hà Nam phát triển nhanh, bền vững

Thứ ba, 22/09/2015 17:11

(ĐCSVN) - Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn nhưng nhiệm kỳ Đại hội XVIII, Hà Nam vẫn giữ được ổn định về kinh tế, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 13%/năm, thu hút đầu tư là điểm sáng nhất là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Theo báo cáo, giá trị sản xuất công nghiệp 5 năm (2010-2015) của Hà Nam đạt gần 76 nghìn tỷ đồng, năm 2015 gấp 2,62 lần so với năm 2010, bình quân tăng 21,3%. Tỷ trọng công nghiệp trong GDP tăng từ 41,5% năm 2010 lên 50,99% năm 2015, nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu duy trì tốc độ tăng trưởng cao góp phần quan trọng đưa GDP năm 2015 gấp 1,8 lần so với năm 2010.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Mai Tiến Dũng cho biết, Hà Nam là tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế về vị trí, nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhân lực để phát triển mạnh các ngành kinh tế công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và dịch vụ - du lịch. Thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp đến năm 2015, Hà Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư.

Tỉnh đã tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh tiến độ đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh bên cạnh việc rà soát, chấm dứt ưu đãi đối với doanh nghiệp vi phạm Luật Đầu tư, Luật Đất đai tạo sự minh bạch, bình đẳng và lòng tin để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư.

Phải kể đến 10 cam kết của tỉnh với các nhà đầu tư. Đó là cung cấp đủ điện 24/24 giờ cho các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp; Đảm bảo hệ thống cấp nước sạch và xử lý nước thải cho các doanh nghiệp; Cấp đất làm nhà ở cho công nhân; Thủ tục Hải quan thuận lợi; Giảm tối đa thời gian của các nhà đầu tư (không quá 3 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, nhà đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký kê khai thuế trên mạng, rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính, công khai thủ tục và mẫu hóa các văn bản …); Đáp ứng đủ lao động có chất lượng phù hợp cho các nhà đầu tư; Đảm bảo thủ tục và đáp ứng cho việc chuyển đổi phương án sản xuất và nhà đầu tư phụ trợ đi cùng; Không có đình công và bãi công; Đảm bảo an ninh trật tự trong và ngoài doanh nghiệp; Thành lập đường dây nóng của Chủ tịch UBND tỉnh và giải quyết trực tiếp tức thì thông tin từ các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Hà Nam đã chủ động đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư các dự án không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, có công nghệ tiên tiến. Chủ trương của tỉnh đã nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc.

 

Công nhân đang làm việc tại một công ty của Nhật Bản
ở Khu công nghiệp Đồng Văn (Duy Tiên, Hà Nam) - Ảnh: Minh Châu


Từ năm 2011 đến ngày 31/7/2015, Hà Nam đã thu hút được 211 dự án đầu tư gồm 108 dự án trong nước, 103 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn đạt gần 24 nghìn tỷ đồng và 986,8 triệu USD, trong đó có một số dự án công nghệ tiên tiến, quy mô lớn như Nhà máy sản xuất xe gắn máy Honda Việt Nam, Nhà máy NumberOne Hà Nam – nhà máy nước giải khát lớn nhất miền Bắc, Nhà máy chế biến sữa Nutifood, Dự án sản xuất thiết bị viễn thông và đèn LED chiếu sáng của Công ty KMW, Dự án xi măng Xuân Thành, Thành Thắng giai đoạn 2...

Với quyết tâm không chỉ cụ thể hóa mà còn sớm đưa các chỉ tiêu Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp đến năm 2015 về đích, với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, năm 2014, Hà Nam lọt tốp 10 và 6 tháng đầu năm 2015, đứng trong tốp 5 tỉnh dẫn đầu toàn quốc về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Lũy kế đến ngày 31/7/2015, trên địa bàn tỉnh có 510 dự án đầu tư còn hiệu lực (145 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký trên 1.317 triệu USD và 46 nghìn tỷ đồng, vốn thực hiện đạt khoảng 70% vốn đăng ký.

Đáng chú ý, tỉnh đang từng bước tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, dừng thu hút các dự án xi măng mới, dự án khai thác khoáng sản thô, hoàn thành xóa bỏ toàn bộ lò gạch thủ công, xi măng lò đứng.

Cùng với đó, Hà Nam cũng quan tâm hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng, dịch vụ các khu công nghiệp để có quỹ đất sạch thu hút đầu tư. Đến hết năm 2015, 80% diện tích các khu công nghiệp được đầu tư hạ tầng đã được lấp đầy trong đó Khu công nghiệp Đồng Văn I đạt 100%, Khu công nghiệp Đồng Văn II đạt 95%... giá trị sản xuất trong các khu công nghiệp chiếm khoảng 67,2% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp góp phần giải quyết việc làm mới cho khoảng 20 nghìn lao động, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII đề ra là 15 nghìn lao động.

Phát huy những kết quả đã đạt được, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo nền tảng vững chắc để phát triển công nghiệp với tốc độ cao. Không tiếp nhận các dự án có hiệu quả thấp, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sử dụng công nghệ lạc hậu.

Nội dung “đổi mới định hướng đầu tư và mô hình tăng trưởng” đã được đưa vào chủ đề của Đại hội. Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ gắn với tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp; rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu, cụm công nghiệp theo hướng khai thác tối đa lợi thế về hạ tầng giao thông phù hợp với điều kiện địa phương, hạn chế phát triển thêm các cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp… góp phần đưa Hà Nam phát triển nhanh và bền vững./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực