“Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 70 năm xây dựng và phát triển”

Thứ tư, 04/09/2019 16:37
(ĐCSVN) - Kỷ niệm 70 năm truyền thống, Hội thảo khoa học “Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 70 năm xây dựng và phát triển” là dịp để đánh giá đầy đủ, toàn diện và sâu sắc những kết quả hoạt động trên tổng thể các mặt công tác; từ đó có những ý kiến đóng góp quý báu cho sự phát triển của Học viện.

Ngày 04/9 tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 70 năm xây dựng và phát triển”.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện cho biết, trải qua các giai đoạn phát triển cùng lịch sử cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trở thành trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội; trung tâm quốc gia nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý phục vụ giảng dạy, học tập góp phần quan trọng vào việc cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng.

Từ năm 2013 đến năm 2015, Học viện đã tổ chức các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp, chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XII của Đảng. Vừa qua, Học viện tiếp tục triển khai các lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII.

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng
 phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Minh Châu

Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, những năm qua, Học viện luôn coi trọng việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác. Quyết định thành công của Học viện chính là các thế hệ thầy cô giáo nổi tiếng, là đội ngũ giảng viên cao cấp, các nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân. Với truyền thống đó, Học viện đang xây dựng đề án tuyển lựa sinh viên xuất sắc tốt nghiệp đại học để đào tạo giảng viên cho các trường Đảng và hệ thống chính trị cả nước. Trong hợp tác quốc tế, Học viện đã và đang mở rộng hợp tác với các đối tác chiến lược, đối tác mới, các tổ chức quốc tế.

Kỷ niệm 70 năm truyền thống, Hội thảo là dịp để đánh giá đầy đủ, toàn diện và sâu sắc những kết quả hoạt động trên tổng thể các mặt công tác. Các đại biểu tham dự Hội thảo đều là những đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Học viện, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, có quá trình cống hiến lâu dài, có đánh giá khách quan, khoa học để từ đó có những ý kiến đóng góp quý báu cho sự phát triển của Học viện, để Học viện tiếp tục sứ mệnh vẻ vang trong thời gian tới trên tinh thần chiến lược phát triển Học viện đến năm 2025, tầm nhìn năm 2045.

Nêu ý kiến tại Hội thảo, đồng chí Tô Huy Rứa nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, qua 7 lần đổi tên với những tên gọi khác nhau nhưng bản chất, bản sắc của Học viện là trường Đảng Trung ương, trung thành với Đảng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Để khẳng định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ cả về nguồn lực vật chất và tinh thần, lựa chọn được đội ngũ cán bộ, giảng viên uy tín, có khả năng quản trị tốt và để trở thành một ngôi trường danh tiếng thì nhất thiết Học viện phải có đội ngũ học viên giỏi, có khát vọng vươn lên.

Đại biểu góp ý kiến cho Học viện tại Hội thảo - Ảnh: Minh Châu

Theo GS.TS Mạch Quang Thắng, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trong thời kỳ đổi mới, Học viện cần nhận thức rõ, sâu sắc hơn vai trò đặc biệt quan trọng của lý luận chính trị và sự cần thiết phải đổi mới tư duy lý luận trong xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới; tư vấn cho Đảng trong việc xác định đổi mới tư duy lý luận trên cơ sở nắm vững bản chất khoa học và cách mạng, phương pháp luận, nguyên lý cơ bản, những giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; ngăn chặn, đấu tranh chống lại các quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch bằng những công trình khoa học có tính “bút” chiến; mở rộng diễn đàn trao đổi học thuật liên cơ quan và ngoài nước, nhất là các trung tâm, viện nghiên cứu mác-xít rộng khắp trên thế giới.

Đặt vấn đề phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên của Học viện, TS Nguyễn Văn Sáu, nguyên Phó Giám đốc thường trực Học viện kiến nghị, cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng đối với cán bộ giảng viên của Học viện. Để đáp ứng được yêu cầu, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nên có chính sách đặc thù cho đội ngũ giảng viên trường Đảng mang tên Bác Hồ kính yêu./.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực