Hướng phong trào “Dân vận khéo” vào những việc mới, việc khó

Thứ tư, 02/10/2019 10:50
(ĐCSVN) - Nhấn mạnh nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn tới đòi hỏi phải nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, đồng chí Điểu K’Ré lưu ý, Thành ủy Hà Nội tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đánh giá, xếp loại mô hình, điển hình “Dân vận khéo” hướng phong trào thi đua “Dân vận khéo” vào những việc mới, việc khó.

Nhiều dòng họ “dân vận khéo” nơi đất Mẹ Âu Cơ

Nhân lên những mô hình “Dân vận khéo”

Phụ nữ lực lượng vũ trang Quân khu 5 thi đua "dân vận khéo"

Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Điểu K’Ré tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp dân vận" cho các cá nhân. (Ảnh:TA)

Chiều 1/10, Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội đã tổ chức kỷ niệm 89 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2019), 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận”, tổng kết 10 năm phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2009-2019.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Điểu K’Ré; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng.

Diễn văn kỷ niệm, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến khẳng định, truyền thống công tác dân vận của Đảng được gắn liền với sự ra đời và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nước ta giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật, số ra ngày 15/10/1949, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, là “cương lĩnh dân vận” của Đảng Cộng sản Việt Nam, là “kim chỉ nam” về công tác dân vận trong mọi giai đoạn cách mạng.

Trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn đặt công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm tập hợp, tuyên truyền, giáo dục quần chúng nhân dân thành một lực lượng to lớn, đông đảo, đoàn kết xung quanh Đảng Cộng sản Việt Nam. Cùng với tiến trình lịch sử của đất nước, công tác dân vận của Đảng đã góp phần tuyên truyền, vận động, tổ chức những phong trào cách mạng rộng lớn, huy động sức mạnh của toàn dân tộc, làm nên những chiến thắng vẻ vang, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Là đảng bộ lớn, có số lượng đảng viên đông nhất so với cả nước, trong những năm qua, Thành ủy Hà Nội và các cấp ủy luôn chủ động vận dụng sáng tạo, linh hoạt các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Bác Hồ về công tác dân vận… Nhờ đó, hoạt động của hệ thống dân vận từ thành phố đến cơ sở có nhiều đổi mới, chủ động, thiết thực, hiệu quả trong công tác tham mưu, phối hợp tốt với các lực lượng, cơ quan, ban ngành triển khai thực hiện công tác dân vận đồng bộ và hiệu quả hơn. Công tác dân vận chính quyền từ thành phố đến cơ sở đã đạt được nhiều kết quả; công tác dân vận của các lực lượng vũ trang ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, hiệu quả cao... góp phần quan trọng vào sự phát triển của Thủ đô, đất nước.

Theo Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, để tiếp tục thực hiện các quan điểm, tư tưởng dân vận của Bác, các cấp ủy và hệ thống dân vận thành phố sẽ thực hiện 4 giải pháp trọng tâm. Trong đó, tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức vận động, tập hợp quần chúng; phấn đấu theo phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”; đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, góp phần tích cực thực hiện thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố đã đề ra.

Báo cáo tổng kết 10 năm phong trào thi đua “Dân vận khéo” 2009-2019 do Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Phạm Hải Hoa trình bày cũng cho thấy, phong trào đã được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện, tạo sức lan tỏa rộng khắp trên các lĩnh vực. Đặc biệt, phong trào “Dân vận khéo” được triển khai gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua như “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... nên đã phát huy hiệu quả trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng an ninh...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Điểu K’Ré đánh giá, 10 năm qua, Thành ủy Hà Nội đặc biệt chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua yêu nước... Nhấn mạnh nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn tới đòi hỏi phải nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, đồng chí Điểu K’Ré lưu ý, Thành ủy Hà Nội tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đánh giá, xếp loại mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, đảm bảo sát thực tiễn với từng loại hình, cơ quan, đơn vị; hướng phong trào thi đua “Dân vận khéo” vào những việc mới, việc khó. Bên cạnh đó, Thành ủy Hà Nội cần chú trọng xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào tôn giáo; giải quyết tốt những kiến nghị, đề xuất của Nhân dân...

Tiếp thu ý kiến của đồng chí Điểu K’Ré, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, trong những năm qua, Thành ủy Hà Nội luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành đầy đủ hệ thống văn bản để triển khai đồng bộ các nội dung công tác dân vận; nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao bằng khen cho các tập thể xuất sắc. (Ảnh:TA)

Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị, các cấp ủy đảng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về công tác dân vận trong tình hình mới. Các địa phương, đơn vị thường xuyên, chủ động nắm bắt, dự báo tình hình nhân dân, đồng thời tập trung giải quyết tốt những vấn đề dân sinh bức xúc. Cùng với đó thực hiện tốt việc giám sát, phản biện xã hội, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền….

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị, xây dựng nhiều mô hình điển hình trên các lĩnh vực, tập trung vào những nhiệm vụ trọng điểm của thành phố, những vấn đề dân sinh, bức xúc. Bên cạnh đó, cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả, hiệu quả của các mô hình “Dân vận khéo”, kịp thời tham mưu, chỉ đạo xây dựng, nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu..., góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đơn vị. 

Nhân dịp này, Ban Dân vận Trung ương đã tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp dân vận” cho 40 cá nhân. Ban Thường vụ Thành ủy cũng tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 10 cá nhân./.

 

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực