Kon Tum: Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả

Thứ bảy, 13/10/2018 21:12
(ĐCSVN) - Tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đang là nhiệm vụ trọng tâm, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum quan tâm thực hiện, bước đầu đã mang lại một số kết quả quan trọng.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hải, Ủy viên Ban Thường vụ,Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Kon Tum.

Theo đồng chí Nguyễn Hữu Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Kon Tum, ngay sau khi tiếp thu Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã xây dựng chương trình thực hiện với lộ trình, bước đi gắn với những nhiệm vụ cụ thể cả trước mắt và lâu dài.

Trong đó, với Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cụ thể hóa thành Chương trình số 51-Ctr/TU, ngày 9/2/2018 với mục tiêu chung là: “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”.

Đồng thời với mục tiêu chung trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum cũng đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2021, từ năm 2021 đến 2030 và nhiều nhiệm vụ, giải pháp có liên quan.

Chia sẻ thêm về những kết quả mà Tỉnh ủy Kon Tum đã thực hiện được, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết, đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch về thực hiện chủ trương Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện và hoàn thành việc triển khai chủ trương này ở 10/10 huyện, thành phố trong tỉnh; đồng thời, cũng đã tiến hành sơ kết và chỉ đạo tiếp tục thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố.

Đặc biệt, riêng ở huyện Ia H’rai, từ khi thành lập (năm 2015) đến nay, huyện đã được Tỉnh ủy Kon Tum chọn thực hiện thí điểm việc kiêm nhiệm một số chức danh gồm: Trưởng Ban Tổ chức huyện ủy kiêm Trưởng phòng Nội vụ huyện; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra huyện ủy kiêm Chánh Thanh tra huyện. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Kon Tum đánh giá, nhân rộng và có giải pháp phù hợp nhằm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương lần này có hiệu quả.

Ngoài những nội dung trên, hiện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đang triển khai 8 nhiệm vụ có liên quan và 7 nhiệm vụ sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, 8 nhiệm vụ đang triển khai gồm: Xây dựng 02 đề án gồm Đề án thí điểm mô hình cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung Khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện và Đề án sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh. Hiện cả 02 Đề án trên đã được Tỉnh ủy Kon Tum xây dựng xong và đang thực hiện quy trình lấy ý kiến trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng như các cơ quan có liên quan trước khi trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đồng thời với xây dựng các đề án trên, hiện Tỉnh ủy Kon Tum đang xây dựng các Quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các cơ quan giúp việc Tỉnh ủy theo Quy định số 04-QĐ/TW, ngày 25/7/2018 của Ban Bí thư gắn với việc tổ chức lại Văn phòng Tỉnh ủy để phục vụ chung cho các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy. “Qua dự thảo Quy định này, về tổ chức đã giảm được 06 đầu mối tại các cơ quan có liên quan. Hiện dự thảo này đã lấy ý kiến của các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và dự kiến sẽ trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong thời gian tới” - đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy kon Tum cho biết. 

Cán bộ, công chức tỉnh Kon Tum xác định việc học tập và làm theo tư tưởng,
đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong các giải pháp quan trọng
để nâng cao năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng yêu cầu công việc được giao.

Về các nhiệm vụ sẽ triển khai thực hiện trong thời gian tới, theo Trưởng Ban Tổ  chức Tỉnh ủy Kon Tum Nguyễn Hữu Hải, việc quan trọng hàng đầu là chuẩn bị một bước về công tác nhân sự để thực hiện chủ trương Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện (dự kiến thực hiện trong quý I/2019 gắn với Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp); thực hiện hợp nhất Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện (ở những nơi có điều kiện); rà soát, sắp xếp, giảm các tổ chức phối hợp liên ngành, các ban chỉ đạo, ban quản lý dự án ở địa phương; rà soát, hoàn thiện mô hình tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với tình hình thực tế; thực hiện hợp nhất Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND tỉnh thành một văn phòng tham mưu, giúp việc chung…

Trong khi đó, với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đến nay Tỉnh ủy Kon Tum đã chỉ đạo hợp nhất 7 đơn vị y tế trực thuộc Sở Y tế để thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum; tổ chức lại các trung tâm y tế cấp huyện; sáp nhập 4 trường cao đẳng, trung cấp trong tỉnh để thành lập Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum; sáp nhập 3 đơn vị thuộc Sở Khoa học và Công nghệ để thành lập Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và dịch vụ khoa học công nghệ tỉnh; sáp nhập 3 đơn vị thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch để thành lập Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh; sáp nhập 3 đơn vị thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch để thành lập Bảo tàng - Thư viện tỉnh; tổ chức lại Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh để thành lập Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác các công trình thủy lợi Kon Tum; sáp nhập Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (trực thuộc UBND cấp huyện).

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã cho ý kiến về việc thành lập, giải thể, tổ chức lại một số Ban Quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh, tổ chức lại Trung tâm Khuyến nông thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chuyển các đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác có đủ điều kiện thành công ty cổ phần; giải thể các đơn vị sự nghiệp kinh tế hoạt động không hiệu quả.

Ngoài ra, Tỉnh ủy Kon Tum cũng chỉ đạo ban hành các quyết định thành lập các tổ xây dựng các đề án theo Chương trình của Tỉnh ủy đề ra như: Thành lập Tổ xây dựng Đề án thí điểm mô hình cơ quan chuyên trách, tham mưu, giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện; thành lập Tổ xây dựng Đề án sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh…

Đối với Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum xác định 19 nhiệm vụ thường xuyên và 6 nhiệm vụ cụ thể để chỉ đạo thực hiện theo lộ trình, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho cấp ủy đảng, cơ quan liên quan tham mưu thực hiện.

Trong các nhiệm vụ này, đáng kể là Tỉnh ủy Kon Tum đang tiến hành chỉ đạo xây dựng Đề án thực hiện thí điểm chủ trương “Thi tuyển lãnh đạo cấp sở, phòng ở một số sở, địa phương có điều kiện thuận lợi”; xây dựng Quy định tạm thời thực hiện chủ trương “Người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực hiện quy trình bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình; bí thư cấp ủy giới thiệu để bầu ủy viên ban thường vụ theo một quy trình nhất định, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và phải chịu trách nhiệm về việc giới thiệu của mình”./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực