Mô hình độc đáo, cách làm hay: Nghe dân nói!

Thứ sáu, 17/05/2019 23:58
(ĐCSVN) – Mô hình “Ngày thứ sáu nghe dân nói” tại ấp Long Lợi, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành (Hậu Giang) là cách làm hay, mô hình độc đáo về công tác tiếp dân. Đây chính là sự cụ thể hóa quy định Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.

Lắng nghe dân!

Nâng cao chất lượng tiếp công dân!

Một buổi “Ngày thứ sáu nghe dân nói” tại ấp Long Lợi,
xã Đông Phước A, huyện Châu Thành (Hậu Giang) -Vũ Hàn/daidoanket.vn

Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân

Qui định của Bộ Chính trị nêu rõ, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân, nhất là những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.

Người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân; thực hiện nghiêm việc tiếp dân, đối thoại và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Việc tiếp dân, đối thoại và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân, phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân; dân chủ, công tâm, khách quan, kịp thời, đúng phạm vi thẩm quyền; trình tự, thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân; bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn cho người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định.

Ban hành và tổ chức thực hiện nội quy, quy chế tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phân công một cơ quan, đơn vị trực thuộc chịu trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin, báo cáo và theo dõi, tổng hợp, tham mưu cho người đứng đầu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của dân trên địa bàn; bố trí địa điểm, điều kiện vật chất, kỹ thuật cần thiết, thuận lợi cho người dân đến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo…

Mô hình hay cách làm độc đáo

Theo báo Đại đoàn kết (daidoanket.vn), gần 4 năm qua, cứ đều đặn vào ngày thứ sáu tuần cuối cùng trong tháng, Tổ đối thoại với công dân “Ngày thứ sáu nghe dân nói” xã Đông Phước A, huyện Châu Thành do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã làm tổ trưởng lần lượt tổ chức đoàn đến từng ấp để đối thoại với người dân.

Với cách làm đó, người dân nơi đây rất phấn khởi. Theo lịch cứ 7 giờ sáng ngày thứ sáu, hàng trăm người dân trong xã Đông Phước A, huyện Châu Thành đã có mặt đông đủ tại điểm tổ chức buổi đối thoại. Ngoài những điểm tiếp xúc cố định, còn có điểm tiếp xúc lưu động, cũng có thể được tổ chức tại nhà của một người dân để bà con thuận tiện đi lại. Hầu hết người dân ở đây xem “mô hình ngày thứ sáu nghe dân nói” là hoạt động quen thuộc. Đây là hình thức sinh hoạt dân chủ thực sự, là diễn đàn để người dân trực tiếp nói lên tiếng nói của mình đối với cấp ủy, chính quyền địa phương.

Sau khi chú ý lắng nghe đại diện UBND xã Đông Phước A báo cáo về hoạt động lãnh đạo, điều hành các mặt kinh tế, văn hóa, chính trị trong xã những tháng đầu năm nay, người dân thẳng thắn bày tỏ quan điểm cũng như những tâm tư, nguyện vọng của mình.

Theo ông Đặng Văn Khải, 65 tuổi, ngụ ấp Phước Tân, xã Đông Phước A cho rằng vai trò của cấp ủy, chính quyền, MTTQ ngày càng được phát huy trong cộng đồng, trong các khu dân cư. Ngày thứ sáu nghe dân nói là cơ hội để xã lắng nghe, từ đó có điều chỉnh, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bất cập nảy sinh, đồng thời từ ý kiến của người dân kiến nghị lên huyện, lên tỉnh. Ý kiến của người dân dù lớn, dù nhỏ đều được lắng nghe, ghi nhận và xử lý giải quyết theo thẩm quyền.

Mô hình “Ngày thứ sáu nghe dân nói” ra đời từ tháng 6/2014, đến nay, lãnh đạo xã Đông Phước A đã gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với nhân dân được trên 40 buổi, có hơn 1.960 lượt nhân dân tham dự, với gần 200 lượt hộ dân phát biểu, gần 150 ý kiến. Các kiến nghị tập trung vào giải quyết các thủ tục hành chính một cửa, chính sách nhà nước đối với hộ nghèo, cận nghèo, lộ giao thông, thủy lợi nội đồng, hỗ trợ nhà tình nghĩa, tình thương, bảo hiểm y tế, vệ sinh môi trường ở nông thôn…

“Cán bộ được nhân dân đóng góp xây dựng lề lối làm việc phục vụ nhân dân, hiện các hoạt động ngày càng được nhanh gọn, chuyển biến rõ nét không gây phiền hà và thủ tục hành chính giải quyết trước thời gian quy định” - ông Trần Văn Lễ, Chủ tịch UBMTTQ xã Đông Phước A cho biết.

Từ hiệu quả của mô hình“Ngày thứ 6 nghe dân nói”, đã có nhiều địa phương học tập vận dụng để có những cách làm hay trong việc tập hợp, vận động, tuyên truyền, lắng nghe và kịp thời giải quyết, kiến nghị giải quyết những yêu cầu, bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người dân.

Với mô hình này, thời gian qua, rất nhiều vụ việc lớn nhỏ đã được giải quyết trực tiếp, những vấn đề không thuộc thẩm quyền cũng ghi nhận để đề xuất lên cấp trên, hạn chế tình trạng khiếu kiện kéo dài. Đây là mô hình cần được cấp ủy, chính quyền các cấp nhân rộng, nhằm thực hiện tốt qui định của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, và xử lý những phản ánh, kiến nghị; đối thoại, xử lý, giải quyết những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân, nhất là những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên./

Nguyễn Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực