Người đứng đầu nghiêm túc thì công tác cán bộ sẽ thực hiện nghiêm túc

Chủ nhật, 28/04/2019 00:13
(ĐCSVN) - Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng lưu ý Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cần bổ sung, làm rõ hơn các nội dung liên quan đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, công tác cán bộ, trong đó, cần nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu. Phải chọn đúng người đứng đầu,… công tác cán bộ sẽ được thực hiện nghiêm túc.
h
Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: TH)

Sáng 27/4, Đoàn công tác của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về kết quả 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); tình hình kinh tế - xã hội nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và một số nội dung quan trọng khác.

Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng Bộ phận thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Báo cáo kết quả sau 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của thành phố Hà Nội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, qua gần 10 năm thực hiện tại Thủ đô, nội dung Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã thể hiện trí tuệ, bản lĩnh, tư duy khoa học và quyết tâm đổi mới mạnh mẽ của Đảng ta. Cương lĩnh đã tiếp tục củng cố niềm tin trong Đảng và xã hội; đã định hướng, chỉ đạo và là động lực, là nguyên nhân quyết định những thành quả to lớn đã đạt được trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Thủ đô.

Hà Nội đã cụ thể hóa Cương lĩnh 2011 vào các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV, XVI, các chương trình, kế hoạch của Thành ủy. Sau gần 10 năm, thành phố đã đạt được những kết quả quan trọng trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác đối ngoại...

Nổi bật, kinh tế Thủ đô duy trì tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm sau cao hơn năm trước: bình quân 3 năm 2016-2018 tăng 7,36% (giai đoạn 2011-2015 là 6,74%); dự kiến giai đoạn 2016-2020 tăng 7,37-7,45%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội năm 2018 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố (cao nhất từ trước tới nay, tăng 15 bậc so với năm 2015 và tăng 42 bậc so với năm 2012), hoàn thành sớm 2 năm so với mục tiêu của nhiệm kỳ…

Về phát triển văn hóa, xã hội, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ phát triển toàn diện, mạnh mẽ. Việc củng cố, xây dựng chính sách về văn hóa trên địa bàn thành phố luôn được chú trọng. Công tác giáo dục - đào tạo của Thủ đô có bước chuyển mạnh cả về quy mô, chất lượng theo hướng giáo dục toàn diện. Hoạt động khoa học đạt được những bước tiến đáng khích lệ trong việc ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống...

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ: Kinh tế của thành phố phát triển toàn diện nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô; phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa những năm qua đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Hoạt động văn hóa – văn nghệ nhiều khâu còn chậm đổi mới. Việc xây dựng con người Hà Nội thanh lịch – văn minh dù đã tập trung chỉ đạo bằng nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Vẫn còn tình trạng khiếu kiện tập trung đông người, an ninh nông thôn, tội phạm, tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp…

Hà Nội kiến nghị các cơ quan trung ương sớm tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội để có thể triển khai ngay trong giai đoạn 2021-2025; rà soát tổng thể để trình Quốc hội sửa đổi hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai...; sớm ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công...

Thành phố cũng đề xuất cần nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn về giá trị Việt Nam (tổng hợp của hệ giá trị con người - hệ giá trị văn hóa - hệ giá trị xã hội); làm rõ văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần xã hội, mà còn là mục tiêu, động lực, nguồn lực của sự phát triển...

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác và lãnh đạo các cơ quan thành phố Hà Nội đã trao đổi, thảo luận sôi nổi về các vấn đề liên quan, làm rõ các nội dung vướng mắc, khó khăn, các kiến nghị, đề xuất.

Kết luận buổi làm việc, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực phấn đấu và những kết quả đạt được của Đảng bộ, nhân dân thành phố Hà Nội qua 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Việc quán triệt, triển khai thực hiện Cương lĩnh và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng của thành phố được tiến hành nghiêm túc, đạt kết quả tích cực, toàn diện. Hà Nội đã thực hiện có hiệu quả ba đột phá kinh tế, thực sự là thành phố đang vươn lên về mọi mặt. An ninh, quốc phòng được giữ vững, đây là điều đáng mừng bởi Hà Nội là thành phố đầu não của cả nước. Bộ mặt đô thị của Hà Nội thay đổi nhiều, thực sự là thành phố đang vươn lên; nông thôn phát triển tích cực, đời sống nông dân ngày càng cải thiện.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng kết luận buổi làm việc. (Ảnh:TH)

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc theo đúng chỉ đạo và hướng dẫn của Trung ương, có những chuyển biến tích cực. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp về phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu tình hình mới; tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ... bước đầu tạo những chuyển biến tích cực…. Những kết quả mà Hà Nội đạt được trong những năm qua rất đáng mừng, xứng đáng với vị thế của Thủ đô, trái tim của cả nước.

Tuy nhiên, đồng chí Trần Quốc Vượng cũng chỉ ra những hạn chế của thành phố trên một số lĩnh vực và đề nghị, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục thực hiện Cương lĩnh 2011, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, thành phố phải nỗ lực đi nhanh hơn về kinh tế tri thức, công nghệ cao; tạo chuyển biến rõ nét về khắc phục ô nhiễm môi trường... Thủ đô phải phấn đấu vào tốp đầu trên bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, không chỉ vì mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội mà chính là ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân, an dân.

Đồng chí Trần Quốc Vượng lưu ý Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cần bổ sung, làm rõ hơn các nội dung liên quan đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, công tác cán bộ, trong đó, cần nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu. Phải chọn đúng người đứng đầu, bởi tất cả người đứng đầu nghiêm túc, công tác cán bộ sẽ được thực hiện nghiêm túc.

Trưởng đoàn công tác cũng đề nghị thành phố Hà Nội tiếp thu ý kiến tại buổi làm việc, hoàn thiện báo cáo, trong đó làm rõ thêm một số nội dung, bổ sung những bài học kinh nghiệm, những kiến nghị, đề xuất của thành phố về các lĩnh vực như công tác tổ chức - cán bộ; cổ phần hóa, phát triển kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa; khắc phục khó khăn, vướng mắc trong phối hợp công tác, phân cấp, phân quyền giữa các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương, trong đó có Hà Nội.

Đoàn công tác đã ghi nhận những kiến nghị của thành phố Hà Nội, tổng hợp để báo cáo Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII./.

Thái Bảo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực