Phát triển lãnh đạo nữ - yêu cầu cấp thiết

Thứ sáu, 20/10/2017 10:48
(ĐCSVN) - Khi nói đến lãnh đạo người ta thường mặc định là nam giới. Chỉ có nam giới mới có khả năng và điều kiện để lãnh đạo và thành công trong lãnh đạo. Tuy nhiên, nhận thức này đang dần thay đổi khi ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào vị trí lãnh đạo trên toàn cầu và đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của xã hội.
Phụ nữ ngày càng tham gia nhiều hơn vào vị trí lãnh đạo và đóng góp vào sự phát triển của xã hội.
(Ảnh: MC).

Lãnh đạo nữ là những người nắm giữ các vị trí chủ chốt trong các cơ quan dân cử, các cơ quan trong bộ máy chính quyền nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội… Họ là những người định hướng, xây dựng tầm nhìn, dẫn dắt tổ chức phát triển nhằm đạt được những mục tiêu đã đề ra. Để làm được điều này, họ phải có năng lực thuyết phục và gây ảnh hưởng để mọi thành viên trong tổ chức cam kết thực hiện tầm nhìn tạo ra sự thay đổi và phát triển, đem lại lợi ích cho tổ chức cũng như cộng đồng.

Trên thế giới hiện nay, phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các vị trí lãnh đạo trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chúng ta có thể nhận thấy những cái tên rất quen thuộc như: Bà Angela Merkel - Thủ tướng nước Đức từ năm 2005 và là người đứng đầu Chính phủ tại nhiệm lâu nhất của Liên minh châu Âu; Bà Ellen Johnson Sirleaf - nữ tổng thống đầu tiên của Liberia từ năm 2006; Bà Portia Simpson Miller - Thủ tướng Cộng hòa Jamaica từ năm 2006; Bà Sheikh Hasina, Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Bangladesh từ năm 2009; Bà Dilma Rousseff - Tổng thống Brazil từ năm 2011; Bà Helle Thorning-Schmidt - Thủ tướng Đan Mạch từ năm 2011; Bà Thái Anh Văn, Chủ tịch Dân Tiến Đảng (DPP), nữ lãnh đạo đầu tiên của Đài Loan (Trung Quốc) từ đầu năm 2016…

Sự đóng góp của lãnh đạo nữ đối với sự phát triển toàn cầu cũng như thay đổi nhận thức của mọi người về vai trò và năng lực của phụ nữ là không thể phủ nhận, tạo ra diện mạo mới, xu hướng phát triển tích cực, sự thịnh vượng cho các quốc gia. Nghiên cứu mới đây nhất cho thấy quốc gia nào có lãnh đạo là nữ, GDP sẽ tăng thêm 6,6%. Kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu thuộc Credit Suisse cho thấy những doanh nghiệp có ít nhất 1 nữ lãnh đạo có tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao hơn mức bình quân và được định giá cao hơn trên thị trường chứng khoán. Theo Bloomberg và Viện nghiên cứu và tư vấn tài chính tại Paris (IFRC), chỉ số chứng khoán của 43 doanh nghiệp có nữ CEO tăng gần gấp 3 lần trong vòng 5 năm qua, gấp 2 lần so với chỉ số VN-Index.

Cùng với xu hướng phát triển lãnh đạo nữ trên thế giới, ở Việt Nam, việc nắm giữ các vị trí lãnh đạo của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội đang ngày càng tăng. Việc mở rộng cơ hội cho phụ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo sẽ giúp tăng cường năng lực lãnh đạo và phát huy nguồn lãnh đạo tiềm năng của lực lượng lao động nữ phục vụ sự phát triển của đất nước.

Lãnh đạo nữ trong khu vực công

Trong khu vực công, lực lượng lao động nữ ngày càng tăng và phụ nữ đang tích cực tham gia các vị trí lãnh đạo trong các cơ quan của hệ thống chính trị, đóng góp lớn lao vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phụ nữ đã nắm giữ các vị trí quan trọng trong các cơ quan dân cử như Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; các cơ quan cấp uỷ Đảng các cấp; các cơ quan chính quyền từ trung ương đến địa phương và các doanh nghiệp nhà nước. Ở bất cứ vị trí nào, lãnh đạo nữ cũng thực hiện tốt vai trò dẫn dắt tổ chức hoàn thành sứ mạng, mục tiêu đã đề ra của tổ chức.

Trên cơ sở các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, tăng cường sự tham gia lãnh đạo, quản lý của phụ nữ, cơ hội trao quyền cho phụ nữ ngày càng được mở rộng. Các văn bản pháp lý đã đưa ra các chỉ tiêu phấn đấu rất cụ thể như: Tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy đảng nhiệm kỳ 2016 – 2020 đạt từ 25% trở lên; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2015 từ 30% trở lên và nhiệm kỳ 2016 – 2020 trên 35%; đến năm 2015 đạt 80% và đến năm 2020 đạt trên 95% Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ; đến năm 2015 đạt 70% và đến năm 2020 đạt 100% cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ nếu ở cơ quan, tổ chức có tỷ lệ nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ 30% trở lên.

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý đã tăng lên, tham gia đảm nhiệm các vị trí ở các cơ quan dân cử, cấp ủy đảng cũng như vị trí bổ nhiệm ở các cơ quan quản lý nhà nước.

Lãnh đạo nữ trong cơ quan dân cử

Trong các cơ quan dân cử bao gồm Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, các nữ đại biểu tham gia các vị trí lãnh đạo trong các cơ quan của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã thực hiện tốt nhiệm vụ dẫn dắt, quản lý, điều hành các hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; có những đóng góp tích cực vào việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, đất nước.

Nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV (2016 - 2021), tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt 26,6%. Trong nhiệm kỳ này, lần đầu tiên Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội là nữ. 1/4 Phó chủ tịch Quốc hội là nữ, chiếm 25%. Tỷ lệ nữ đại biểu là Chủ nhiệm các Uỷ ban của Quốc hội và tương đương chiếm 23,1%; Phó Chủ nhiệm các Uỷ ban của Quốc hội và tương đương là 14,3%.

Trong Hội đồng nhân dân các cấp, tỷ lệ phụ nữ tham gia cao hơn so với nhiệm kỳ trước, song vẫn chưa đạt được chỉ tiêu đặt ra. Tỷ lệ phụ nữ tham gia HĐND cấp tỉnh là 24,46%, tăng 1,29%; cấp huyện là 27,51%, tăng 2,89%; cấp xã là 26,70%, tăng 3,48% so với nhiệm kỳ 2011 – 2016.

Lãnh đạo nữ trong cấp ủy đảng các cấp

Cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp tăng lên qua các nhiệm kỳ. Cả nước hiện có 17 cán bộ nữ là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, chiếm tỷ lệ 9,4% (tăng 0,8% so với khoá XI). Nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XII (nhiệm kỳ 2015 - 2020) có 03/19 nữ Ủy viên Bộ Chính trị (15,8%) và 01 cán bộ nữ trong Ban Bí thư Trung ương Đảng (10%). Có 09 cán bộ nữ là Trưởng, Phó các Ban của Trung ương Đảng, chiếm 11,7%.

Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp ở địa phương nhiệm kỳ 2015 - 2020 tuy chưa đạt được chỉ tiêu đề ra song đều tăng so với nhiệm kỳ trước. Ở cấp tỉnh/thành, nữ Bí thư chiếm 6,3%; nữ Phó Bí thư chiếm 9,8%. Tỷ lệ nữ tham gia Ban Thường vụ là 10,7%, tham gia Ban chấp hành cấp tỉnh/thành chiếm 13,4%. Ở cấp huyện, nữ Bí thư chiếm 7,4%, nữ Phó Bí thư chiếm 5,9%; Tỷ lệ tham gia Ban Thường vụ là 12%; tham gia Ban Chấp hành là 17,2%. Ở cấp xã, nữ Bí thư chiếm 8,0%, nữ Phó Bí thư chiếm 11,5%. Tỷ lệ nữ tham gia Ban Thường vụ là 10,7%, tham gia Ban Chấp hành là 21,5%.

Mặc dù lãnh đạo chính quyền và các cấp uỷ đảng đã tích cực đưa ra các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ nữ lãnh đạo trong các cơ quan cấp uỷ đảng song kết quả vẫn chưa đáp ứng được mong đợi, chưa đạt được các chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng. Nguyên nhân là do có sự khác nhau rất lớn về đại diện của phụ nữ và nam giới trong Đảng với tỷ lệ nữ đảng viên tính đến 12/2015 là 31,0%, con số này là 20.9% vào năm 2005. Khi tỷ lệ nữ đảng viên thấp, thì số lượng phụ nữ được đưa vào các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị cũng thấp. Điều này cũng làm giảm tiếng nói của phụ nữ trong định hướng và quyết sách của Đảng.

Lãnh đạo nữ trong bộ máy chính quyền

Phụ nữ tham gia vào các cơ quan quản lý nhà nước ở tất cả các cấp, song tỷ lệ tham gia không biến động nhiều so với nhiệm kỳ trước. Ở cấp trung ương có 01 nữ Phó chủ tịch nước; 01 nữ bộ trưởng và tương đương 4,8%; 14 nữ thứ trưởng 7,9%. Tỷ lệ nữ lãnh đạo cấp cục/vụ và tương đương là 17,0%. Ở cấp tỉnh có 1/63 tỉnh/thành có nữ chủ tịch UBND, chiếm 1,6%, nữ Phó Chủ tịch UBND chiếm 8,3%. Nữ Giám đốc, Phó Giám đốc Sở và tương đương chiếm 12,2%.

Ở cấp huyện, nữ Chủ tịch UBND là 3,6% (giảm 1,65% so với nhiệm kỳ trước); Phó Chủ tịch UBND là 12,5% (tăng 0,4% so với nhiệm kỳ trước). Ở cấp xã, nữ Chủ tịch UBND là 5,1%, Phó Chủ tịch UBND là 13,6%.

Lãnh đạo nữ trong MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp Trung ương

Nữ uỷ viên Ban chấp hành MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp trung ương có 327 người, chiếm 34,1%. Có 01 nữ Chủ tịch, chiếm 20%; 09 Phó Chủ tịch, chiếm 37,5%. Nữ Vụ trưởng và tương đương là 25 người, chiếm 24,5%; nữ Phó Vụ trưởng và tương đương là 63 người, chiếm 32,3%.

Lãnh đạo nữ trong các doanh nghiệp nhà nước

Phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Bên cạnh đội ngũ lãnh đạo nữ trong khu vực chính trị và hành chính, đội ngũ nữ doanh nhân cũng là lực lượng có tiềm năng hết sức to lớn cần được khuyến khích và phát triển. Việt Nam được xếp vào nhóm 5 nước có tỷ lệ phụ nữ lãnh đạo, quản lý trong các doanh nghiệp cao nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương . Theo số liệu điều tra doanh nghiệp của Tổng cục thống kê thì tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp năm 2011 là 24,67%. Tỷ lệ nữ lãnh đạo trong doanh nghiệp nhà nước chiếm 5,3%, trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 7,6%, trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 22,2%.

Thực tế cho thấy, tỷ lệ nữ doanh nhân ngày càng tăng qua các năm. Có rất nhiều doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo, điều hành đã trở thành những doanh nghiệp hàng đầu của nền kinh tế như Vinamilk, Saigon Coop, Dược Hậu Giang, REE... Các doanh nghiệp do nữ làm chủ đóng góp không nhỏ vào GDP, tạo ra của cải vật chất cho xã hội, tạo việc làm cho người lao động, thực hiện trách nhiệm xã hội cũng như việc góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và tiến bộ xã hội.

Phát triển lãnh đạo nữ là yêu cầu hết sức cấp thiết 

Với sự tham gia đông đảo của phụ nữ trong lực lượng lao động thì việc phát triển lãnh đạo nữ là yêu cầu hết sức cấp thiết. Lãnh đạo nữ có vai trò rất quan trọng là đại diện cho lực lượng lao động nữ, góp tiếng nói vào quá trình hoạch định chính sách bảo vệ lợi ích của phụ nữ, đáp ứng các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của phụ nữ. Theo Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam - ông Gyorgy Sziraczki, việc thúc đẩy sự đa dạng trong quản lý bằng việc có thêm nữ giới đảm nhận các vị trí cao nhất là chìa khóa để tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và nhờ vậy, nắm bắt được các lợi ích về kinh tế và xã hội khi đất nước đang hội nhập sâu rộng hơn.

Sự tham gia của phụ nữ thúc đẩy sự phát triển và việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, các kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia đòi hỏi phải có sự dịch chuyển nhanh chóng hướng tới bình đẳng giới. Việc trao quyền cho phụ nữ để họ tham gia đầy đủ vào đời sống kinh tế trên tất cả các lĩnh vực và ở tất cả các cấp độ của hoạt động kinh tế là thiết yếu bởi vì nó giúp ích trong Xây dựng các nền kinh tế vững mạnh; Thiết lập các xã hội bền vững hơn và công bằng hơn; Đạt được các mục tiêu phát triển theo cam kết quốc tế, đạt được sự bền vững và quyền con người; Cải thiện chất lượng cuộc sống cho phụ nữ, nam giới, các gia đình và cộng đồng; đồng thời Thúc đẩy hoạt động và mục tiêu của các doanh nghiệp.

Chính những lý do trên đây đã khẳng định tầm quan trọng của phụ nữ khi nắm giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý. Tỷ lệ tham gia cân bằng giữa nam và nữ sẽ tạo ra sự công bằng - nền tảng xã hội cho bình đẳng giới. Công bằng tạo nên sự bình đẳng và bình đẳng cũng tạo nên sự công bằng trong việc đánh giá vai trò của nam giới và phụ nữ trong xây dựng và phát triển đất nước./.

Đinh Thị Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực