Sắp xếp lại cơ cấu tổ chức ngành Tòa án

Thứ hai, 05/08/2019 21:53
(ĐCSVN) – Theo Đề án được trình tại Hội thảo, sau khi sắp xếp lại, tổ chức bộ máy của Tòa án Nhân dân tối cao có 13 đơn vị cấp vụ. Giảm 01 đơn vị cấp vụ và giảm 16/45 đơn vị cấp phòng.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội thảo

Ngày 5/8, Ban cán sự Đảng Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) tổ chức Hội thảo về Đề án tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của TAND bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của Đảng, nhằm bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ trong tình hình mới. Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chủ trì Hội thảo.

Khắc phục những hạn chế, bất cập

Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, trong những năm qua, Đảng ta đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cải cách tư pháp, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thi hành Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Tòa án nhân dân các cấp đã từng bước được kiện toàn về tổ chức bộ máy và ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động; đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm, cán bộ, công chức Tòa án được củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất đã có bước cải thiện nhất định tạo điều kiện để các Tòa án hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu và nhiệm vụ chính trị đặt ra đối với công tác Tòa án.

Tuy nhiên, theo Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, tổ chức bộ máy của TAND vẫn còn bộc lộ một số hạn chế; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số đơn vị chưa rõ ràng, còn chồng chéo, trùng lắp; công tác kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm đạt kết quả thấp; cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức giữa TAND các cấp và trong từng đơn vị, Tòa án chưa hợp lý; năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không đồng đều, tỉ lệ người phục vụ cao, nhất là ở khối văn phòng; năng lực quản lý, điều hành và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của một số đơn vị, Tòa án còn hạn chế; công tác hành chính tư pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành chưa đáp ứng yêu cầu; chính sách tiền lương còn bất cập…

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về “Tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu, xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của Đảng nhằm bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hội thảo nhằm thảo luận, góp ý xung quanh các vấn đề cơ bản  trong Đề án như: Đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động của TAND; các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của TAND; những nhiệm vụ, giải pháp trước mắt và lâu dài (liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức TAND năm 2014).

Hình ảnh tại Hội thảo

Sắp xếp lại cơ cấu tổ chức Tòa án nhân dân các cấp

Theo Đề án được trình tại Hội thảo, sau khi sắp xếp lại, tổ chức bộ máy của TANDTC có 13 đơn vị cấp vụ. Giảm 01 đơn vị cấp vụ (Vụ Công tác phía Nam); giảm 16/45 đơn vị cấp phòng.

Tòa án nhân dân cấp cao giữ nguyên 03 Tòa tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh như hiện nay. Cơ cấu tổ chức, bộ máy của TANDCC bao gồm: Ủy ban Thẩm phán, các Tòa chuyên trách và bộ máy giúp việc.

Cơ cấu tổ chức của TAND cấp tỉnh được giữ như hiện nay, gồm: Ủy ban Thẩm phán; các Tòa chuyên trách và Bộ máy giúp việc. Tối thiểu mỗi TAND cấp tỉnh có 04 Tòa chuyên trách (gồm: Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa hành chính, Tòa gia đình và người chưa thành niên). Căn cứ vào thực tế công tác xét xử và đội ngũ cán bộ, Thẩm phán của từng Tòa án cấp tỉnh để tổ chức 05 đến 06 Tòa chuyên trách.

Tòa án nhân dân cấp huyện, Đề án đề nghị sáp nhập đối với Tòa án cấp huyện có dưới 10 biên chế, số lượng án dưới 200 vụ, việc/năm và có địa bàn kế tiếp nhau, giao thông thuận lợi…

Theo thống kê, hiện có 165 Tòa án cấp huyện thuộc 34 tỉnh, thành phố có số lượng án trung bình 3 năm (2016, 2017 và 2018) từ 200 vụ, việc/năm trở xuống. Trước mắt, xin chủ trương thí điểm thực hiện sáp nhập đối với 31 Tòa án cấp huyện thuộc 14 tỉnh, thành phố được nêu trong Đề án./.

Việt Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực