Tạo cơ hội bình đẳng để phụ nữ có cơ hội phát triển

Thứ hai, 28/01/2019 22:49
(ĐCSVN) - Tăng cường sự phối hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phụ nữ, tạo cơ hội bình đẳng để phụ nữ có sự ủng hộ nhiều hơn từ xã hội, gia đình, có cơ hội phát triển trong sự phát triển chung của đất nước.

Đó là ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai tại Hội thảo khoa học “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động phụ nữ và Hội LHPN Việt Nam trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp tổ chức chiều 28/1 tại Hà Nội.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Đề tài Quốc gia độc lập “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”, nhằm tổng kết thực tiễn về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động phụ nữ và Hội LHPN Việt Nam, góp phần xây dựng cơ sở lý luận cho việc đề xuất các giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động phụ nữ và Hội LHPN Việt Nam trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

Quang cảnh Hội thảo - Ảnh: Minh Châu

Nêu ý kiến tại Hội thảo, các đại biểu đã đề cập đến các yếu tố tác động đến công tác vận động phụ nữ trong giai đoạn hiện nay như: sự thay đổi về cơ cấu dân số - lao động; khoa học kỹ thuật trở thành nhân tố quyết định trong việc thúc đẩy tiến bộ thời đại; kinh tế tri thức phát triển mạnh, sức sản xuất được nâng cao rõ rệt; hợp tác văn hóa quốc tế ngày càng được mở rộng...

Đối với phụ nữ, mối quan tâm, lợi ích, nhu cầu của các nhóm phụ nữ rất khác nhau và rất khác so với trước; lao động nữ chưa tận dụng được các cơ hội việc làm từ hội nhập quốc tế do hạn chế về trình độ tay nghề, kỹ năng, ngoại ngữ, tin học…

Trên cơ sở đó, các đại biểu đã đề xuất những phương hướng và giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động phụ nữ và Hội LHPN Việt Nam, đặc biệt là những yêu cầu mới đặt ra từ xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động phụ nữ, bên cạnh việc đề ra cương lĩnh, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong chính sách cán bộ của Đảng; phát huy dân chủ, tăng cường sự tham gia của hội viên, phụ nữ trong công tác xây dựng Đảng; tạo điều kiện để hoạt động của Hội LHPN Việt Nam vừa bảo đảm tính chính trị nhưng vẫn phát huy được tính xã hội, dân chủ tự nguyện. 

Các đại biểu cũng gợi ý những giải pháp để phụ nữ thích ứng với quá trình hội nhập quốc tế như: trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức cầu tiến, độc lập, chủ động, tự tin, sáng tạo; bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên, xóa bỏ tâm lý tự ti, ỷ lại…

Theo GS Hoàng Chí Bảo, với những biến đổi của thời cuộc, việc giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc kết hợp với những giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với phụ nữ Việt Nam là hết sức cần thiết để có được 4 phẩm chất đạo đức cốt lõi phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH đất nước đó là “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.

Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn cho rằng, cấp ủy các cấp và người đứng đầu có vai trò trực tiếp quyết định đến đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động phụ nữ. Cấp ủy phải thực sự thấm nhuần quan điểm của Đảng về công tác vận động phụ nữ, phải chân thành, thực tâm đối với các chính sách liên quan đến phụ nữ, tránh thực hiện mang tính hình thức.

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu kết luận Hội thảo - Ảnh: Minh Châu

Phát biểu kết luận Hội thảo, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, trong quá trình phát triển đất nước, nhóm phụ nữ có nguồn nhân lực chất lượng cao có cơ hội để phát triển bên cạnh đó, nhóm phụ nữ yếu thế, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật… sẽ chịu nhiều rủi ro nhất. Vì thế, cần thiết phải phân tích, chỉ rõ những thách thức tác động đến phụ nữ để có hướng giải quyết phù hợp, thiết thực.

Trong bối cảnh hiện nay, bản thân phụ nữ cũng phải tự cố gắng học tập, trau dồi rèn luyện kiến thức, kỹ năng, nâng cao năng lực để hội nhập; tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng chính sách.

Đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu, Hội LHPN Việt Nam cần quan tâm, chăm lo, nâng cao lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ và phát huy quyền làm chủ của phụ nữ; tăng cường vai trò giám sát thực hiện những chính sách có liên quan đến quyền lợi thiết thân của phụ nữ, từ đó, khuyến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện tốt chủ trương, luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ; quan tâm, tham mưu, đề xuất ý kiến để phụ nữ tham chính nhiều hơn; tăng cường sự phối hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phụ nữ, tạo cơ hội bình đẳng để phụ nữ có sự ủng hộ nhiều hơn từ xã hội, gia đình, có cơ hội phát triển trong sự phát triển chung của đất nước.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực