Tiếp tục sắp xếp, đổi mới công tác Văn phòng cấp ủy tại miền Trung-Tây Nguyên

Thứ sáu, 12/10/2018 16:52
(ĐCSVN) - Từ sau Hội nghị văn phòng cấp ủy khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2017 đến nay, công tác tham mưu, tổng hợp và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ các tỉnh ủy, thành ủy đã có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm hoạt động đi vào nền nếp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Sáng 12/10, tại Quảng Nam, Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị công tác Văn phòng tỉnh ủy, thành ủy khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2018.

Đồng chí Trần Việt Hùng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo văn phòng cấp ủy 13 tỉnh, thành miền Trung-Tây Nguyên (từ Quảng Bình trở vào đến Khánh Hòa và 4 tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai) và Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu 5.

Đồng chí Trần Việt Hùng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng
phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: Đình Tăng)

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trần Việt Hùng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng khẳng định: Từ sau Hội nghị văn phòng cấp uỷ khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2017 đến nay, công tác tham mưu, tổng hợp và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ các tỉnh ủy, thành ủy đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các Văn phòng cấp ủy từng bước kiện toàn tổ chức, bộ máy; tham mưu hoàn chỉnh hệ thống quy chế, quy định, quy trình và ứng dụng CNTT theo hướng chuyên nghiệp hoá, bảo đảm hoạt động đi vào nền nếp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. 

Theo báo cáo của Văn phòng Trung ương Đảng, thời gian qua, Văn phòng cấp ủy tại khu vực miền Trung- Tây Nguyên đã tập trung làm tốt các yêu cầu, nhiệu vụ được giao. Trong đó, có 02 nhóm nhiệm vụ trọng tâm là làm tốt công tác tham mưu, tổng hợp và đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT, qua đó giúp cấp ủy địa phương, đơn vị thực hiện hiệu quả cũng như đáp ứng tốt các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn đặt ra.

Báo cáo cũng cho biết, thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức Văn phòng các cấp ủy, hiện nay tổng biên chế cơ quan văn phòng các tỉnh ủy, thành ủy trong khu vực có 621 người (542 biên chế và 79 hợp đồng lao động). Riêng đội ngũ làm công tác tham mưu, tổng hợp có 124 cán bộ, chuyên viên (chiếm 19,9%, bình quân mỗi văn phòng là 9 người); trong đó, trình độ chuyên môn tiến sĩ, thạc sĩ 32 người (chiếm 39,6%); đại học 92 người (chiếm 61,4%); cao cấp và cử nhân lý luận chính trị chiếm 48,4%.

Nhằm tăng cường năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ tổng hợp tại Văn phòng cấp ủy ở các địa phương, thời gian qua, thường trực cấp uỷ và lãnh đạo các văn phòng đã quan tâm xây dưng đội ngũ cán bộ tổng hợp có trình độ, năng lực, trách nhiệm, tận tuỵ với công việc; quan tâm về chính sách thu hút, đãi ngộ cán bộ và bố trí, phân công công tác phù hợp với kinh nghiệm, sở trường, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từng cán bộ, công chức.

Về chất lượng tham mưu, tổng hợp và nghiên cứu chuyên sâu tại Văn phòng các cấp ủy, báo cáo cho biết: Công tác này đến nay ở Văn phòng cấp ủy trong khu vực có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong tham mưu xây dựng chương trình công tác của cấp ủy, ban thường vụ và thường trực các tỉnh ủy, thành ủy.

Nhiều Văn phòng đã đổi mới việc xây dựng chương trình công tác theo hướng bám sát thực tế, giảm hội họp, giảm văn bản giấy, tiết giảm lễ tân trong hoạt động của cơ quan tỉnh ủy, thành ủy; tạo điều kiện cho thường trực và ban thường vụ có nhiều thời gian đi cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và trực tiếp đối thoại với dân (điển hình như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị, Gia Lai, Khánh Hoà...); tập trung chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết, đột xuất, nhất là công tác quản lý đất đai, bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo vệ rừng, giải quyết sự cố môi trường biển; đôn đốc việc hỗ trợ sản xuất, giải quyết việc làm, xoá đói, giảm nghèo; kịp thời chỉ đạo xử lý những vấn đề phức tạp về an ninh nông thôn, tranh chấp, khiếu kiện đất đai; phòng, chống gây rối, biểu tình, bạo loạn; tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. …

Bên cạnh những kết quả trên, văn phòng cấp ủy các địa phương đã quan tâm đến công tác triển khai, ứng dụng CNTT, phục và đáp ứng tốt nhiệm vụ, yêu cầu công tác đặt ra.

Đến nay cả 13/13 tỉnh ủy, thành ủy trong khu vực đã ban hành và triển khai Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Đảng giai đoạn 2015-2020. Cùng với đó, các tỉnh, thành ủy đã xây dựng và triển khai Đề án văn phòng dùng chung; đa số các tỉnh ủy, thành ủy đã xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu dùng chung của các cơ quan Đảng; 13/13 địa phương đã triển khai phòng họp trực tuyến; một số địa phương tiếp tục đầu tư, mở rộng, nâng cấp hệ thống trực tuyến tới cấp quận, huyện như Phú Yên, Đắk Nông. Việc triển khai hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp trên Lotus Notes tại các tỉnh ủy, thành ủy được thực hiện thường xuyên, đồng bộ và hiệu quả với tất cả các văn bản không mật được gửi nhận qua mạng. Đa số các địa phương đã triển khai hoạt động trang thông tin điện tử trên mạng thông tin diện rộng của Đảng. 7/13 địa phương đã đưa Trang thông tin điện tử hoạt động trên môi trường internet…

Quang cảnh tại Hội nghị. (Ảnh: Đình Tăng)

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đồng chí Trần Việt Hùng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, hạn chế đáng kể nhất trong Văn phòng cấp ủy các địa phương khu vực là việc cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa thực sự hiệu quả; chất lượng soạn thảo, thẩm định các đề án có lúc, có nơi chưa sâu; trong một số đề án, nghị quyết, chương trình hành động do các tỉnh ủy, thành uỷ ban hành vẫn còn tính hình thức, thiếu căn cứ, giải pháp thực tiễn.

Việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình, kết quả thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng còn hạn chế, chủ yếu dựa vào các ban Đảng.

Công tác thông tin phục vụ cấp uỷ từng bước cải tiến, nâng cao chất lượng, song yêu cầu tăng lượng thông tin có vấn đề cần sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ chưa nhiều; chậm phát hiện, dự báo những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn.

Một số nơi khi có vụ việc đột xuất, phức tạp xảy ra, văn phòng vẫn còn thụ động chờ báo cáo của các ngành, địa phương, thiếu nhạy bén trong việc cập nhật và tham mưu cho ban thường vụ, thường trực cấp uỷ nắm bắt và chỉ đạo kịp thời.

Cơ sở dữ liệu, số liệu thống kê, tổng hợp trên một số lĩnh vực: Kinh tế, văn hoá, xã hội, dân tộc, tôn giáo… của một số văn phòng chưa hoàn chỉnh; chưa bảo đảm sự cập nhật liên tục, có tính hệ thống. 

Đội ngũ cán bộ tham mưu, tổng hợp của các văn phòng hiện còn thiếu so với biên chế được phân bố. Trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác của cán bộ, chuyên viên chưa đồng đều; việc triển khai thực hiện đề án Văn phòng tỉnh ủy, thành ủy phục vụ chung cho các ban Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW còn chậm so với các khu vực khác; hệ thống mạng thông tin diện rộng của Đảng chưa kết nối liên thông với mạng các cơ quan chính quyền nên việc trao đổi thông tin gửi, nhận văn bản giữa cơ quan đảng và chính quyền chưa thực hiện được mà phải thực hiện qua các ứng dụng trên mạng internet, dẫn đến phải duy trì hai hệ thống, từ đó làm tăng vốn đầu tư thiết bị, phần mềm và tăng thêm công việc cho các bộ phận nghiệp vụ; việc gửi, nhận văn bản trên mạng thông tin diện rộng của Đảng chưa thường xuyên và hiệu quả; chưa áp dụng đồng bộ việc gửi, nhận văn bản có chữ ký số tại tất cả các cơ quan.

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu cũng trao đổi, đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của Văn phòng cấp ủy trong thời gian tới; đồng thời đại diện Văn phòng Trung ương Đảng đã giải đáp, tiếp thu một số đề xuất, kiến nghị của Văn phòng cấp ủy các địa phương, đơn vị.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Văn phòng cấp ủy ở các địa phương, đơn vị; nâng cao chất lượng tham mưu cho cấp ủy và ban thường vụ, thường trực các tỉnh ủy, thành ủy sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Trung ương và cung cấp thông tin, giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn; quan tâm tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn phòng; tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng hệ thống CNTT cho văn phòng các cấp ủy; tiếp tục sắp xếp, hoàn thiện và ổn định văn phòng hoạt động chung của các cơ quan Đảng đảm bảo yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới…/.

Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực