Tổ chức nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ các đối tượng hội viên, phụ nữ ở các địa bàn khác nhau

Thứ ba, 17/07/2018 22:19
(ĐCSVN) – “Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam cần tổ chức nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ các đối tượng hội viên, phụ nữ ở các địa bàn khác nhau, quan tâm nhiều hơn đến nhóm phụ nữ yếu thế và phụ nữ trí thức”.

Đó là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai tại Hội nghị chuyên đề “Công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức chiều 17/7 tại Hà Nội.

5 năm qua, thực hiện Nghị quyết số 25 – NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo, không chỉ khẳng định vai trò nòng cốt của tổ chức Hội trong công tác phụ nữ mà còn góp phần tạo chuyển biến tích cực về công tác dân vận của cả hệ thống chính trị.

Với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, các cấp Hội LHPN đã tích cực vận động hội viên, phụ nữ tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân, góp phần củng cố niềm tin, tăng cường mối quan hệ máu thịt của nhân dân với Đảng, Nhà nước.


Hội nghị chuyên đề “Công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới” - Ảnh: Minh Châu

Liên quan đến việc nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, hội viên, phụ nữ về vai trò, vị trí công tác dân vận trong tình hình mới, các cấp Hội đã xác định rõ dân vận và công tác dân vận là trách nhiệm của tổ chức Hội, của mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ; dân vận khéo là “chìa khóa” mang lại thành công cho công tác Hội, là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng.

Bên cạnh xây dựng lực lượng hội viên nòng cốt ở cơ sở và đội ngũ “cốt cán” trong các vùng có đạo, các cấp Hội đều chú trọng tập huấn kỹ năng dân vận cho đội ngũ cán bộ Hội; bồi dưỡng cho cán bộ phong trào kỹ năng hướng dẫn, giúp đỡ cơ sở giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

Nhiều địa phương đã rất sáng tạo trong xây dựng các mô hình “Dân vận khéo”, vừa nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ Hội về công tác vận động phụ nữ, vừa phát huy tác dụng thực sự trong công tác dân vận tại địa phương. Thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tập thể và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của người dân, trên 6.500 mô hình kinh tế hợp tác đã được các cấp Hội thành lập, khơi dậy tinh thần làm giàu chính đáng trong các tầng lớp phụ nữ, điển hình như Đắk Lắk, Bắc Ninh, Đồng Tháp, Hà Tĩnh…

Cùng với những kết quả đã đạt được, những hạn chế qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 25 cũng được chỉ rõ. Đó là việc cụ thể hóa phong trào thi đua yêu nước ở một số nơi chưa thực sự xuất phát từ lợi ích thiết thực của phụ nữ, không linh hoạt, thiếu tính bền vững vì vậy chưa trở thành động lực để động viên, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, sự đóng góp của một số nhóm phụ nữ.

Công tác nắm bắt tình hình, tư tưởng và tham gia giải quyết những bức xúc của phụ nữ, trong các vụ bạo lực gia đình, xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em còn thiếu kịp thời ở một số cấp Hội; vẫn còn biểu hiện hành chính hóa trong hoạt động Hội…

Đề ra giải pháp trong thời gian tới, Trung ương Hội LHPN Việt Nam xác định mục tiêu thực hiện tốt hơn vai trò nòng cốt trong công tác vận động phụ nữ theo tinh thần Nghị quyết 25 và Nghị quyết số 11 – NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và trách nhiệm của các cấp Hội, các tầng lớp hội viên, phụ nữ, nhất là đội ngũ cán bộ Hội các cấp về vai trò, vị trí công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới.

Vận động, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, phụ nữ thực hiện tốt phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, hai cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”và “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; nghiên cứu hoàn thiện chuẩn mực người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện thời kỳ mới, vận động phụ nữ rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin – tự trọng - trung hậu – đảm đang” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...


Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị - Ảnh: Minh Châu

Phát biểu chỉ đạo, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, trong tình hình mới có nhiều thách thức đối với hoạt động của Hội LHPN Việt Nam. Bên cạnh các hoạt động thường xuyên là tập hợp rộng rãi hội viên, phụ nữ, chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp, tham gia thúc đẩy bình đẳng giới, vận động phụ nữ đồng thuận ủng hộ đường lối, quan điểm của Đảng, Hội cần tổ chức nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ các đối tượng hội viên, phụ nữ ở các địa bàn khác nhau, quan tâm nhiều hơn đến nhóm phụ nữ yếu thế và phụ nữ trí thức. “Phụ nữ ở các thành phố lớn có điều kiện phát triển trong khi phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo gặp phải những khó khăn nhất định”, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Trưởng ban Dân vận Trung ương yêu cầu Hội LHPN Việt Nam cần tiếp tục nâng cao vai trò giám sát thực hiện những chính sách có liên quan đến quyền lợi thiết thân của phụ nữ, từ đó khuyến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt chủ trương, luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới. Các cấp Hội cần chủ động tham mưu, đề xuất trong việc giải quyết các vụ bạo hành, xâm hại phụ nữ, trẻ em gái; tổ chức các hoạt động hỗ trợ, chăm lo đời sống hội viên, phụ nữ.

"Nhóm phụ nữ yếu thế, phụ nữ nông thôn, vùng sâu, vùng xa biên giới, hải đảo, phụ nữ, trẻ em bị xâm hại thực sự cần Hội Phụ nữ đứng ra chăm lo hỗ trợ và đại diện cho họ. Những nữ trí thức là hình ảnh của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới, Hội cần phải tiếp tục phát hiện, động viên, khuyến khích để có thêm những gương mặt mới, tạo cảm hứng cho các tầng lớp phụ nữ Việt Nam phấn đấu, noi theo", đồng chí Trương Thị Mai mong muốn./.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực