Từng hộ gia đình phải xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy riêng

Thứ ba, 10/07/2018 17:39
(ĐCSVN) - Nhấn mạnh những nguy cơ cháy nổ luôn rình rập từng giờ, từng giây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị từng hộ gia đình phải xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy riêng; các khu vui chơi đông người phải có phương án và phải phổ biến cho người dân tham gia phương án thoát hiểm.

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh:TH)

Ngày 10/7, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý II/2018.

Các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội chủ trì Hội nghị.

Ba nội dung quan trọng được hội nghị thảo luận đều liên quan thiết thân đến đời sống dân sinh, gồm có: Tăng cường các biện pháp bảo đảm công tác phòng cháy và chữa cháy, ứng phó, khắc phục xử lý sự cố thiên tai và cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn thành phố; công tác cấp nước sạch; tình hình tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016-2020.

Sau khi lắng nghe 17 ý kiến phát biểu, tóm tắt kết thúc thảo luận, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Ban Cán sự đảng UBND TP đã đưa ra yêu cầu rất chặt chẽ là đối với các chủ đầu tư có công trình vi phạm về phòng cháy, chữa cháy mà chưa khắc phục thì không cấp chủ trương đầu tư dự án mới. Bằng cách này, thời gian qua, tiến độ khắc phục các vi phạm về phòng cháy, chữa cháy đã được đẩy lên. Thời gian tới, Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo các quận, huyện, thị xã rà soát, kiểm tra lại toàn bộ vật tư, trang bị liên quan cũng như các phương án, kế hoạch để khi có phân công công việc, các đơn vị triển khai bảo đảm kịp thời, hiệu quả.

Về cung cấp nước sạch, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho hay, thành phố đã và đang tổ chức thí điểm nhiều mô hình cung cấp nước sạch, kêu gọi được 23 chủ đầu tư và bao phủ được 94% diện tích cấp nước sạch của vùng nông thôn. Thực tiễn xây dựng hệ thống cung cấp nuớc tại các huyện: Quốc Oai, Thạch Thất, Phú Xuyên cho thấy, cần phải chọn chủ đầu tư có năng lực; công tác triển khai phải được cập nhật tiến độ; lãnh đạo địa phương cần tuyên truyền cho người dân tham gia sử dụng nước, lắp đặt công tơ. Các địa phương cũng cần quan tâm tháo gỡ vướng mắc cho chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ. Sắp tới, thành phố sẽ chỉ đạo làm sạch đường ống cũ đã sử dụng nhiều năm, đồng thời kiến nghị Bộ Y tế cấp tiêu chuẩn nước sạch của thành phố theo tiêu chuẩn châu Âu, uống nước tại vòi, làm căn cứ triển khai thực hiện.

Về tiến độ triển khai các công trình trọng điểm, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố tổ chức giao ban hằng tháng đối với các chủ đầu tư, lãnh đạo quận, huyện, thị xã và luôn đồng hành với chủ đầu tư tháo gỡ vướng mắc khó khăn.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, các nội dung trong buổi giao ban là các vấn đề thiết thực, quan trọng, tồn tại nhiều bức xúc ảnh hưởng đến công tác dân sinh. Với một thành phố lớn, siêu đô thị như Hà Nội, những vấn đề tiềm ẩn về nguy cơ phòng cháy chữa cháy, thiên tai, nhân tai được đặc biệt quan tâm, nhất là phải dự báo được để xây dựng các kế hoạch ứng phó.

Nhắc lại việc vừa qua, thành phố đã ban hành rất nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo; HĐND Thành phố cũng đã giám sát vấn đề phòng cháy chữa cháy trong 3 kỳ họp liền, Bí thư Hoàng Trung Hải cho rằng, tất cả đang tạo được sự lan tỏa, chuyển biến về nhận thức. Mỗi lãnh đạo, cán bộ, đảng viên phải coi đây là trách nhiệm của mình; người đứng đầu từng cấp phải chịu trách nhiệm, “phải nhận thức được các vụ cháy xảy ra thì nguyên nhân là do công tác quản lý” – Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ: “Phải thấy rằng, mỗi vụ cháy nổ xảy ra bao giờ cũng có yếu tố hạn chế là do công tác quản lý chứ không phải chỉ vì người dân. Không thể xảy ra một vụ cháy ở chợ mà đổ lỗi là do dân gây cháy. Vai trò của ban quản lý chợ ở đâu, chính quyền địa phương, lực lượng PCCC ở đâu? Tất cả đều phải được làm rõ. Hiện, thành phố vẫn xảy ra trên 800 vụ cháy mỗi năm và chưa có chiều hướng giảm”.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận Hội nghị. (Ảnh:TH)

Cùng với đó, là các hạn chế như công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy ở khu dân cư, gia đình, hộ dân, các cơ quan đơn vị cũng chưa được quan tâm đúng mức, chưa làm tốt, chưa có biện pháp để khắc phục. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này cũng chưa nghiêm, nhiều khi vẫn chạy theo phong trào…

Từ thực tế đó, Bí thư Hoàng Trung Hải đề nghị cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền kiến thức, pháp luật về phòng cháy chữa cháy; thực hiện tốt hơn nữa phương châm 4 tại chỗ, xây dựng lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ; củng cố đội phòng cháy chữa cháy cơ sở; xây dựng đội phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp tại các khu công nghiệp; tăng cường công tác xử lý vi phạm, với các chung cư cao tầng phải được kiểm tra ngay từ đầu, đảm bảo quy định rồi mới được đưa dân vào ở.

Nhấn mạnh những nguy cơ cháy nổ luôn rình rập từng giờ, từng giây, Bí thư Hoàng Trung Hải cũng đề nghị từng hộ gia đình phải xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy riêng; các khu vui chơi đông người phải có phương án và phải phổ biến cho người dân tham gia phương án thoát hiểm. Với riêng công tác phòng cháy chữa cháy tại các tòa nhà chung cư, Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ, phải kiểm tra tất cả các tòa nhà chung cư trước khi đưa dân vào ở, phải đảm bảo đủ điều kiện an toàn mới được đưa dân vào ở. Còn nếu cứ để chủ đầu tư bán hết nhà cho dân, dân vào ở hết rồi mới kiểm tra, lúc này phát hiện sai phạm thì cũng khó đưa dân ra, khó giải quyết được.

Về công tác cấp nước sạch cho dân, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đề nghị phải phấn đấu đạt bằng được mục tiêu đến năm 2020, 100% người dân Thủ đô được cấp nước sạch.

Về tiến độ các dự án trọng điểm, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu đẩy mạnh đầu tư, phối hợp làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, giao ban tháo gỡ thường xuyên; tuyên truyền cho người dân hiểu về các dự án thu hút đầu tư từ doanh nghiêp, công khai minh bạch đối thoại với người dân; có cơ chế ứng vốn để đẩy nhanh các Dự án ODA; hình thành kế hoạch cụ thể để chỉ đạo và phân công quyết liệt…/.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực