Tuyên truyền sâu rộng nhiệm vụ chính trị gắn với phát triển kinh tế - xã hội

Thứ tư, 08/05/2019 17:16
(ĐCSVN) - Phát biểu kết luận tại Hội nghị trực tuyến Báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc TƯ tháng 5/2019, đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Những nội dung được thông tin tại Hội nghị hết sức ý nghĩa, thiết thực, cần tập trung tuyên truyền sâu rộng gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương...

Ngày 8/5, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến Báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, tháng 5 năm 2019.

Các đồng chí: Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự Hội nghị.

Xử lý đến cùng để đảm bảo công bằng cho kỳ thi

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng nghe đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin chuyên đề “Những điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm học 2019- 2020”.


Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thông tin về những điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT và

tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019- 2020 

Thông tin về những vấn đề trong lĩnh vực giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ điểm qua một số kết quả nổi bật của ngành trong thời gian qua, một số vấn đề về thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019, chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, đội ngũ nhà giáo, phòng chống bạo lực học đường, các vấn đề của giáo dục các cấp...

Chia sẻ về việc xử lý sai phạm trong kỳ thi THTP quốc gia 2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, quan điểm của Bộ Giáo dục- Đào tạo và Bộ Công an là tuyệt đối không dung túng cho sai phạm. Các sai phạm trong thi cử phải xử lý nghiêm, xử lý đến cùng để đảm bảo công bằng cho kỳ thi.

Đối với học sinh, cán bộ, viên chức của ngành liên quan đến kỳ thi, khi có kết luận của cơ quan điều tra thì sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó. Dự kiến, ngày 25/5 tới, cơ quan điều tra sẽ kết thúc công việc điều tra, xác minh những sai phạm trong kỳ thi năm 2018 và có báo cáo chính thức. Hiện Bộ đã phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát toàn bộ các khâu trong kỳ thi này và có những chỉnh sửa kịp thời trong kỳ thi năm 2019.

Những tư tưởng lớn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

GS Hoàng Chí Bảo thông tin tại Hội nghị 

Hội nghị đã nghe GS.TS Hoàng Chí Bảo thông tin nội dung “Ý nghĩa lịch sử và giá trị trường tồn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; những kết quả nổi bật sau 50 năm thực hiện Di chúc của Người”.

GS.TS Hoàng Chí Bảo cho biết: Năm 2019, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm 50 năm ngày Bác mất và 50 năm thực hiện Di chúc của Người. Thời gian càng lùi xa, những tư tưởng cao quý của Bác trong Di chúc càng trở nên sáng rõ không chỉ đối với đồng bào trong nước, mà còn trong lòng bạn bè quốc tế. Di chúc của Người là Quốc bảo, đồng thời là một đóng góp của văn hóa Việt Nam đương đại vào kho tàng văn hóa chung của nhân loại.

Trong Di chúc, Bác đặc biệt căn dặn chúng ta một điều hết sức quan trọng về 4 chữ “thật” trong đoạn văn ngắn về Đảng cầm quyền, đó là: Thật sự đạo đức cách mạng cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; thật sự chống được chủ nghĩa cá nhân; thật sự trong sạch vững mạnh để thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân. Bốn chữ “thật” ấy là nền tảng trực tiếp xây dựng Đảng cầm quyền của Hồ Chí Minh - GS.TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.

Như vậy, trong Di chúc của Người có tư tưởng về chủ nghĩa xã hội, có tư tưởng về Đảng cầm quyền, có tư tưởng về thực hành dân chủ, có tư tưởng về quản lý xã hội và lấy an sinh của dân làm gốc, lo tất cả cho cơm ăn, áo mặc của nhân dân, thực hiện cho được hệ giá trị của phát triển là độc lập, tự do. Chỉ một nghìn từ nhưng phản ánh đề cập bao nhiêu vấn đề lớn trong hiện tại, trong tương lai và bắt đầu từ niềm tin lạc quan về chiến thắng, để xây dựng đất nước Việt Nam đàng hoàng, to đẹp hơn… - đó là những tư tưởng lớn trong Di chúc của Bác.

Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo: Từ Đại hội XII trở đi, nhất là Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị sau Đại hội thì Đảng ta có một nhận thức rất mới và quan trọng về Bác. 10 năm trước, Đảng lấy học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, từ Đại hội XII đến nay cũng như mãi mãi sau này, Đảng xác định rõ học tập, làm theo Bác tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Có thể nói, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều thiêng liêng nhất trong cuộc đời Người là tự nguyện dâng hiến đời cho nhân dân, cho dân tộc và cho cả thế giới nhân loại. Thế cho nên nói đến Bác, nhất là bản Di chúc Bác để lại, chúng ta không bao giờ quên được điều Bác đã tâm sự: “Mỗi người có một nỗi đau riêng, mỗi gia đình có một nỗi khổ riêng, cộng tất cả nỗi khổ đau đó lại là nỗi khổ đau của chính bản thân tôi”.

50 năm qua, việc thực hiện Di chúc của Bác đã trở thành một việc thiêng liêng, đó chính là thực hiện 5 lời thề trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, do đồng chí Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn đọc tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9/9/1969. GS.TS Hoàng Chí Bảo cho rằng: Đứng trước tình hình chúng ta đang phải vượt qua suy thoái như hiện nay, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, thực hiện lời thề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng được xem là một trọng điểm.

Suốt 50 năm qua, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, Đảng ta đã làm hết sức mình để xứng đáng với Bác. Đại hội XII của Đảng bổ sung thêm vào lý luận xây dựng Đảng một điều rất căn bản, không chỉ xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, mà còn phải xây dựng Đảng về đạo đức, đưa văn hóa vào trong chính trị, kinh tế, vào trong Đảng, trong Nhà nước và trong hệ thống chính trị. Đảng ta đưa ra một nhận định rất quan trọng vào lúc này, đó là: Sự hài lòng của người dân phải được coi là thước đo về hiệu quả lãnh đạo, uy tín của cán bộ; niềm tin của nhân dân với Đảng phải coi là tài sản tinh thần vô giá nhất. Chúng ta tin tưởng rằng Đảng sẽ làm tốt điều này - GS.TS Hoàng Chí Bảo khẳng định.

Tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân những giá trị to lớn trong Di chúc của Bác

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh những nội dung được thông tin tại Hội nghị hết sức ý nghĩa, thiết thực. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cả nước cần tập trung tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân; các cấp ủy tập trung tuyên truyền gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Trong đó, tập trung tuyên truyền về Nghị quyết của Chính phủ, kỳ họp Chính phủ tháng 4/2019; Tuyên truyền về nội dung Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ hai, trong đó nhấn mạnh và khẳng định sự tham dự của Việt Nam tại Diễn đàn lần này thể hiện chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở nguyên tắc hợp tác hòa bình, bình đẳng và cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Về việc học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW về “Tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại đảng trong tình hình mới”, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng cho biết: Ngày 22/4/2019, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 91 - HD/BTGTW về học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại đảng trong tình hình mới”. Đồng chí đề nghị các cấp ủy căn cứ Hướng dẫn để tham mưu giúp các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và thực hiện Chỉ thị; giúp cán bộ, đảng viên nắm vững, hiểu rõ, quán triệt sâu sắc những nội dung cơ bản, cốt lõi của Chỉ thị.

Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy đẩy mạnh tuyên truyền, kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng như: Tuyên truyền kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2019); tuyên truyền kết quả sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; 50 năm thực hiện Di chúc của Bác… Trong đó tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nhân rộng những tấm gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách hiệu quả.

Cùng với đó, đội ngũ báo cáo viên trong cả nước tiếp tục tuyên truyền kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 – 19/5/2019) trên cơ sở căn cứ Hướng dẫn số 88 – HD/BTGTW ngày 27/3/2019 của Ban Tuyên giáo Trung ương; tuyên truyền Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (VESAK 2019).

Đồng chí Lê Mạnh Hùng cũng đề nghị đội ngũ báo viên trong cả nước tuyên truyền về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021, dựa trên Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, tập trung tuyên truyền sâu đậm chủ trương quan trọng này; làm tốt công tác tư tưởng ở những địa bàn có sự sắp xếp đơn vị hành chính, đồng thời nắm bắt tình hình dư luận xã hội, ghi nhận ý kiến của các tầng lớp nhân dân báo cáo Ban Tuyên giáo Trung ương và kịp thời tham mưu cho cấp ủy, góp phần thực hiện thành công việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã./.

Tin, ảnh: Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực