Chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện Yên Thế (Bắc Giang)

Thứ sáu, 23/08/2013 16:23

(ĐCSVN) - Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Yên Thế khóa XX (2010 - 2015) đã xác định tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Huyện uỷ, cấp uỷ đảng trong huyện; huy động tích cực mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; hoàn thành căn bản chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của nhân dân; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, ổn định chính trị, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

 

 Thương hiệu gà đồi Yên Thế, Bắc Giang được phát triển mạnh (Ảnh: Báo Bắc Giang)


Theo đó, phấn đấu đến 2015, đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất 14- 15%/năm. Trong đó: Nông, lâm nghiệp đạt 6-6,5%; công nghiệp - xây dựng đạt 21-22%; dịch vụ đạt 12-13%. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt bình quân 50 triệu đồng/ha/năm. Tổng sản lượng cây có hạt đạt 37.000 tấn. Thu ngân sách trên địa bàn hàng năm tăng từ 20% trở lên. Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội cả giai đoạn là 3.000 tỷ đồng. Tỷ lệ độ che phủ của rừng là 45%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 20-21 triệu đồng/năm. Hàng năm, giảm 6-7% hộ nghèo, không còn hộ đói. Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 40%, tạo việc làm mới mỗi năm cho 1.600 lao động.

Nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, Đại hội Đảng bộ huyện cũng đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, tạo ra bước đột phá trong quá trình phát triển trên địa bàn huyện; nỗ lực thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Xây dựng lộ trình thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả

Trên cơ sở đó, Huyện uỷ Yên Thế đã lãnh đạo xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện bao gồm:

Một là, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 với quy hoạch và lộ trình phát triển cụ thể các ngành kinh tế quan trọng.

Quy hoạch chi tiết cho từng vùng kinh tế và ban hành các nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức thực hiện và kịp thời điều chỉnh sự bất cập để bảo đảm phát triển cân đối giữa các thành phần kinh tế và các vùng quy hoạch, đồng bộ giữa khả năng huy động nguồn lực với khai thác lợi thế so sánh, tạo sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Quy hoạch sản xuất hàng hoá tập trung theo hướng sản xuất sản phẩm có giá trị cao với quy mô lớn. Trong đó, bước đi đầu tiên để thực hiện chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện là phân vùng kinh tế và xác định rõ cơ cấu ngành, cơ cấu thành phần kinh tế quan trọng có tiềm năng và lợi thế giữ vai trò động lực thúc đẩy sự tăng trưởng. Từ đó, huyện xây dựng các đề án chuyển đổi, hướng tới hình thành các vùng kinh tế trọng điểm.

Hai là, tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế, trong đó coi trọng phát triển kinh tế tư nhân (doanh nghiệp tư nhân, kinh tế hộ gia đình…) và kinh tế hợp tác xã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh hơn.

Xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực có lợi thế: Kinh tế trang trại tổng hợp theo hướng nông nghiệp gắn với chăn nuôi; nông - lâm - thuỷ sản; vật liệu xây dựng và công nghiệp, lâm nghiệp; văn hoá gắn với du lịch và phát triển dịch vụ... tạo môi trường thuận lợi vừa phát huy nội lực, vừa thu hút nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài.

Ba là, đổi mới việc xây dựng và thực hiện nghị quyết. Việc xây dựng nghị quyết được chuẩn bị kỹ trên cơ sở tổng kết thực tiễn, kịp thời đáp ứng những yêu cầu thực tiễn đặt ra. Trước khi quyết nghị những vấn đề quan trọng có tính định hướng lãnh đạo đều được thảo luận kỹ trong cấp uỷ, trong Ban Thường vụ, tạo sự thống nhất về nhận thức của cấp uỷ về những nội dung cần ra nghị quyết, bảo đảm tính khoa học.

Bốn là, phát huy vai trò của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, động viên đoàn viên, hội viên và nhân dân thi đua sản xuất, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Năm là, xây dựng, chuẩn hoá đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện và cơ sở, trước hết là cấp uỷ xã, thị trấn. Trên cơ sở quy hoạch cán bộ, huyện coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ về lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, tích cực luân chuyển cán bộ nhằm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong hoạt động thực tiễn và bố trí, sắp xếp, sử dụng đúng cán bộ.

Sáu là, coi trọng công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo thực hiện nghị quyết của Đảng, của cấp uỷ cấp trên và cấp mình đạt kết quả ở từng địa phương, đơn vị. Coi trọng việc sơ kết, tổng kết phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến, rút ra những kinh nghiệm chỉ đạo, khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân làm tốt đồng thời kỷ luật nghiêm minh các trường hợp vi phạm, chấp hành không nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo.

Thực tế, thời gian qua, những kết quả, thành tích đạt được về chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã tạo cho Yên Thế thế và lực mới, tạo đà cho giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, cũng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục: một số cơ sở còn nhận thức chưa sâu sắc, thấu đáo các nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh uỷ và của Đảng bộ huyện nên đã xây dựng chương trình hành động chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa sát hợp với địa phương dẫn đến tổ chức thực hiện kém chất lượng, hiệu quả. Một số nơi năng lực lãnh đạo, điều hành của cán bộ chủ chốt còn hạn chế, thiếu sáng tạo trong xây dựng kế hoạch, đề án và tổ chức thực hiện để tạo ra bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phương thức lãnh đạo chậm đổi mới. Có những đơn vị kinh tế - xã hội kém phát triển, khắc phục chậm. Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến đảng viên, đoàn viên, hội viên và trong nhân dân ở nhiều nơi chưa sâu rộng. Một số nơi chưa xây dựng được mô hình, điển hình nên công tác tuyên truyền kém hiệu quả.

Triển khai đồng bộ 4 giải pháp cơ bản trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi những mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra, Huyện uỷ đang tập trung lãnh đạo thực hiện tốt những giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tạo sự thống nhất về nhận thức trong tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đổi mới phong cách lãnh đạo, xây dựng và thực hiện sáng tạo, có hiệu quả chương trình hành động về chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện theo hướng phát triển bền vững. Xác định rõ nội dung cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong từng giai đoạn, thời điểm cụ thể từ nay đến cuối nhiệm kỳ. Coi trọng việc tổng kết thực tiễn để có căn cứ xây dựng các nghị quyết chuyên đề có tính khả thi cao.

Hai là, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trong tổ chức thực hiện nghị quyết. Trọng tâm là nâng cao chất lượng hoạt động của cấp uỷ, xây dựng các tổ chức đảng, các cấp chính quyền thực sự trong sạch, vững mạnh. Thực hiện đồng bộ công tác tư tưởng, tổ chức và cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp ủy, cán bộ chủ chốt các cấp. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hoá đội ngũ cán bộ kết hợp phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với cấp uỷ và cán bộ, đảng viên.

Ba là, tập trung lãnh đạo thực hiện tốt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội toàn huyện và các vùng, ngành kinh tế trọng điểm như giao thông, thuỷ lợi, điện... Đẩy mạnh tiến độ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội hàng năm, nhất là các đề án, dự án, công trình quan trọng góp phần tạo sự đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo đúng chương trình, kế hoạch, đảm bảo chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh, đúng định hướng.

Bốn là, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong tổ chức thực hiện nghị quyết của đảng bộ các cấp, tạo sự đồng thuận xã hội cao, bảo đảm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả cao vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực