Làm đường giao thông nông thôn ở thôn Bo Chợ

Thứ ba, 08/10/2013 18:08

Sau 3 năm thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" gắn với xây dựng mô hình "Dân vận khéo" trong xây dựng nông thôn mới tại thôn Bo Chợ đã đạt được nhiều kết quả tích cực cả về số lượng, chất lượng và quy mô, đặc biệt là trong làm đường giao thông nông thôn...

Thôn Bo Chợ, nằm phía Tây - Nam của xã Đông Sơn, nằm ven dọc theo bờ sông Thương, phía Tây giáp xã Bố Hạ và thị trấn Bố Hạ, phía Bắc giáp xã Hương Vỹ, với 160 hộ, 572 khẩu, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, chăn nuôi và dịch vụ vận tải.

 
 

Những năm trước đây, do hệ thống chính trị trong thôn còn yếu nên việc triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế chưa đạt được mục tiêu của Chi bộ, của thôn đề ra, các đoàn thể hoạt động cầm chừng, các phong trào triển khai trong thôn đều đạt trung bình và yếu, các cuộc vận động hiệu quả còn thấp, nhất là trong phát triển kinh tế và xây dựng cơ bản, tỷ lệ hộ nghèo cao, đường giao thông xuống cấp trầm trọng (do địa bàn giáp ranh với thị trấn Bố Hạ và Hương Vỹ, là nơi có nhiều nhánh đường giao thông thường xuyên bị quá tải vì có nhiều xe chở vật liệu xây dựng, hàng hóa và dich vụ nông nghiệp), đời sống xã hội của nhân dân chưa được cải thiện... Xuất phát từ tình trạng trên, sau kỳ Đại hội 2009 - 2012, Chi bộ đã được củng cố và kiện toàn. Qua kiểm điểm, đánh giá thực trạng trong thôn của Chi bộ, từ đó đã xác định được nguyên nhân: ngoài sự phấn đấu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các ban, ngành đoàn thể trong thôn là công tác dân vận của thôn còn có nhiều hạn chế, thiếu sự đồng thuận của nhân dân dẫn đến việc thực hiện các chương trình, dự án, các cuộc vận động...kết quả đạt rất thấp.

Trao đổi cùng ông Nguyễn Văn Ngọc – Bí thư chi bộ, tổ trưởng Tổ Dân vận thôn Bo Chợ, ông cho biết: Tổ Dân vận thôn đã căn cứ vào nội dung, tiêu chí của mô hình, tham mưu với cấp uỷ họp, bàn và ra Nghị quyết đăng ký xây dựng Mô hình “Dân vận khéo” với Đảng uỷ xã, lấy tên gọi là “Vận động nhân dân hiến đất, đóng góp làm đường giao thông nông thôn”, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên vận động nhân dân ủng hộ tiền, vật liệu và ngày công để xây dựng đường giao thông nông thôn. Ngoài ra, Tổ còn vận động nhân dân đóng góp lắp đặt 35 bóng đèn trong thôn nhằm đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn giao thông. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Tòng ủng hộ vật liễuây dựng làm đường trị giá trên 10 triệu đồng; hộ ông Trần Quang Lượng ủng hộ bằng tiền mặt 10 triệu đồng… Từ khi có Mô hình “Vận động nhân dân hiến đất, đóng góp làm đường giao thông nông thôn” ra đời, đường sá, hành lang giao thông được thông thoáng, thuận tiện cho việc đi lại, sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an ninh trật tự xã hội, an toàn giao thông. Trong thôn xuất hiện nhiều hộ khá và giàu nhờ sản xuất và kinh doanh dịch vụ vận tải, phát triển chăn nuôi…Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Tuấn, ông Nguyễn Văn Ánh chăn nuôi hàng trăm con lợn, kết hợp với kinh doanh thức ăn gia súc…

Phương châm hoạt động của Mô hình “Vận động nhân dân hiến đất, đóng góp làm đường giao thông nông thôn” thôn Bo Chợ trước hết là cán bộ, đảng viên trong thôn luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào của thôn, dám nghĩ, dám làm, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết trong nhân dân, giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình. Với tiêu chí: phát huy dân chủ, đoàn kết, gắn bó, gần gũi với nhân dân; coi công tác tuyên truyền, vận động là chính.

Sau ba năm xây dựng Mô hình “Dân vận khéo”, thôn Bo Chợ đã triển khai và thực hiện có hiệu quả. Từ chỗ đường giao thông trong thôn xuống cấp nghiêm trọng, giao thông nội đồng nhỏ, hẹp và hay bị vỡ, hệ thống kênh mương tưới tiêu phục vụ nông nghiệp không đảm bảo, hay bị ngập úng khi mùa mưa, hạn hán vào mùa khô…đời sống nhân dân không được cải thiện, nhiều thanh niên không có công ăn, việc làm, tệ nạn xã hội thường xuyên xảy ra trong thôn... Đến nay, Bo Chợ đã hoàn thành cơ bản việc cứng hóa đường giao thông trong thôn và nội đồng, hệ thống kênh mương được sửa chữa, nạo vét, đã giải quyết cơ bản được việc làm cho thanh niên…Trong thôn không còn tệ nạn xã hội, an ninh trật tự được đảm bảo, đời sống nhân dân được ổn định, tạo điều kiện cho phát triển KT-XH. Điều này đã khẳng định vai trò quan trọng của công tác dân vận. Cấp uỷ, Trưởng thôn, Tổ Dân vận làm tốt công tác chỉ đạo đôn đốc kiểm tra; các ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, nội dung tập trung vào các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến cuộc sống gia đình và cộng đồng... bằng các hình thức như: Qua các cuộc họp khu dân cư, họp Chi bộ, trên loa phát thanh của thôn về nội dung, tiêu chí của Mô hình. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân, cấp uỷ, chính quyền cùng các thành viên trong Tổ đã phân công, phụ trách từng khu vực trong thôn để theo dõi, kiểm tra, giám sát thực hiện. Để Mô hình “Vận động nhân dân hiến đất, đóng góp làm đường giao thông nông thôn” thực sự phát huy hiệu quả, các cán bộ, đảng viên luôn gương mẫu đi đầu, tuyền truyền, vận động trong gia đình, người thân về trách nhiệm đối với việc thực hiện nội dung công việc, các quy ước, hương ước của thôn; hàng tháng Chi bộ và Ban công tác Mặt trận thôn họp giao ban, kiểm điểm rút kinh nghiệm việc thực hiện xây dựng Mô hình, từ đó đề ra phương hướng và giải pháp để thực hiện tốt hơn.

Do làm tốt công tác dân vận, trong 3 năm qua bộ mặt thôn xóm có nhiều đổi mới. Nhân dân đã hưởng ứng tích cực các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và địa phương phát động đều đạt và vượt mức kế hoạch. Riêng đối với các hạng mục xây dựng ở thôn đã được nhân dân nhất trí cao, đồng sức, đồng lòng và thực hiện tốt, cụ thể: sửa chữa và làm mới trên 2 km kênh, mương nội đồng bằng vật liệu cứng và xi măng; Xây 01 cổng làng, trị giá 150.000.000 đồng; Xây dựng kè chống sạt lở của Khu di tích lịch sử Đình làng Bo Chợ (đã được Nhà nước công nhận Khu di tích lịch sử Quốc gia năm 1995), xây tường hoa và và làm mới sân Đình (650 m3 đá xây và 700m2 lát sân, 100m tường hoa và 3.500m3 đất san lấp), riêng công trình này có tới 1.400 người ủng hộ; Nạo vét 200m lòng ngòi thoát lũ; Xây dựng và đối ứng trên 600m kênh, mương tưới, tiêu; xây 2 cống phi 100 và 2 cống phi 40, trị giá trên 100 triệu đồng. Các hộ dân trong thôn đã hiến 6.800m2 đất, 2.000m dây điện và 35 bóng đèn chiếu sáng đường. Tổng giá trị lên tới 1.410.000.000đ (Một tỷ, bốn trăm mười triệu đồng). Ngoài ra, nhân dân còn ủng hộ ủng hộ 2.800 ngày công cho việc xây dựng cơ bản, nhiều ngày công phục vụ lễ hội truyền thống của xã, của làng và phòng chống bão lũ, vệ sinh thôn, trong phong trào văn nghệ, thể dục - thể thao...

Với kết quả trên, năm 2011, 2012 thôn đạt Danh hiệu Làng văn hoá cấp huyện, Chi bộ, Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể đạt danh hiệu “Trong sạch, vững mạnh”, nếu như 13 năm trở về trước chi bộ thôn không phát triển được đảng viên mới, thì từ năm 2012, 2013 chi bộ đã có đối tượng học cảm tình đảng và phát triển đảng viên mới chủ yếu là đối tượng phụ nữ và đoàn thanh niên. Trong thôn có 125/160 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”, đời sống của nhân dân trong thôn tương đối ổn định, kinh tế phát triển, mức thu nhập bình quân 17 triệu đồng/người/năm. Tình hình phát triển dân số ổn định, không có người sinh con thứ 3, đã từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 39 hộ năm 2009 xuống còn 19 hộ năm 2012 và phấn đấu đến năm 2013 giảm còn 14 hộ, mục tiêu của thôn là đạt Danh hiệu Làng văn hoá cấp tỉnh năm 2013.

Bài học sâu sắc được Tổ dân vận thôn Bo Chợ đúc rút từ thực tiễn là: công tác dân vận rất quan trọng, chỉ có thực hiện tốt công tác dân vận và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở thì mọi nhiệm vụ chính trị, kinh tế triển khai ở thôn mới thực hiện được, mới có được lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào chính quyền, góp phần xây dựng quê hương giàu, đẹp. Mô hình “Vận động nhân dân hiến đất, đóng góp làm đường giao thông nông thôn” thôn Bo Chợ, xã Đông Sơn là một trong hai mô hình được Huyện ủy Yên Thế đề nghị Ban Dân vận Tỉnh ủy khen thưởng trong thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với xây dựng mô hình “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực