Ra mắt sách Hoàng Hoa Thám (1836 – 1913)

Thứ tư, 26/03/2014 11:09

(ĐCSVN) - Nhân kỷ niệm 130 năm cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1884-2014), Nhà Xuất bản Tri Thức vừa cho ra mắt cuốn “Hoàng Hoa Thám (1836 – 1913)”. Cuốn sách do Tiến sĩ Sử học Khổng Đức Thiêm, nghiên cứu viên cao cấp Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) biên soạn.

Bìa cuốn sách

Đây là sách chuyên khảo gồm 13 chương, nội dung đã được hội đồng khoa học nghiệm thu sách đánh giá đây là Tập đại thành về người anh hùng Hoàng Hoa Thám; là sự kế thừa và tổng kết toàn bộ thành tựu nghiên cứu của giới nghiên cứu lịch sử từ trước tới nay, trong và ngoài nước về một vĩ nhân lịch sử không chỉ đóng vai trò quan trọng về thời gian lịch sử (những năm bản lề của thế kỷ 19-20) mà còn là gạch nối quan trọng giữa 2 khuynh hướng cứu nước – theo hệ tư tưởng phong kiến (Phong trào Cần Vương) và theo hệ tư tưởng tư sản (Phong trào Duy tân).

Theo Nhà Xuất bản Tri Thức, giới sử học khắp trong Nam ngoài Bắc cũng như bản thân tác giả đã để ra nhiều năm nghiên cứu về Hoàng Hoa Thám và khởi nghĩa Yên Thế, nhưng không ít vấn đề cốt lõi rất cần có lời giải đáp thấu đáo về thời điểm sinh thành và yên nghỉ, quê hương bản quán và họ hàng gốc gác, sự nghiệp và tiểu sử song thân... của người anh hùng dân tộc vẫn còn bỏ ngỏ.

Cuốn sách “Hoàng Hoa Thám (1836 – 1913)” so với các công trình trước viết về khởi nghĩa Yên Thế đã có bước phát triển mới về nội dung, đáp ứng được yêu cầu tìm hiểu của bạn đọc. Tác giả đã miệt mài tra cứu tài liệu, phát hiện và cung cấp nhiều hiểu biết mới về người Anh hùng dân tộc từ lúc sinh thời cho đến khi yên nghỉ, giải đáp được nhiều câu hỏi xoay quanh tầm nhìn chiến lược của người thủ lĩnh những năm đầu thế kỉ XX. Sách phân tích, đánh giá, nhận định, lí giải, bổ sung mới, sát hợp và toàn diện hơn về thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám, vị trí phong trào nhân dân Yên Thế trong sự nghiệp chống thực dân Pháp xâm lược. Nhiều tư liệu mới làm sáng rõ hơn về quê hương, gia tộc, sự ra đời của Hoàng Hoa Thám; vai trò của ông trong việc đánh dẹp Thanh phỉ, xây dựng làng chiến đấu, diệt quân xâm lược Pháp, sức cuốn hút của địa hình Yên Thế với các đại thủ lĩnh, các bước phát triển của phong trào Yên Thế, vai trò của Đội Văn và Kì Đồng ở Yên Thế…

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực